Vừa qua, Báo SGGP đã đăng bài đặt vấn đề về việc xây dựng rạp hát hiện đại ở TPHCM bao giờ thành hiện thực? Bài viết này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, nghệ sĩ. Chúng tôi xin giới thiệu 2 trong số các ý kiến đáng được quan tâm…
Kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn: Càng chậm càng trả giá đắt
Việc xây dựng rạp hát hiện đại ở TPHCM là một nhu cầu cấp thiết, nếu không muốn nói đến nay mới bắt tay vào làm đã là muộn lắm rồi. Tôi cho rằng, chúng ta càng chậm làm những công trình văn hóa thì càng phải trả giá, bởi văn hóa là động lực phát triển của kinh tế, của xã hội. Tại sao thời gian gần đây, nhiều vấn đề về game online, về văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử trong cộng đồng lại “nóng” lên? Có phải là chúng ta thiếu những công trình văn hóa, thiếu những khoảng không gian văn hóa cộng đồng để phục vụ người dân.
Tôi còn nhớ, trong quá trình chuẩn bị xây dựng rạp hát Hưng Đạo, lúc đầu các nhà chuyên môn đâu có được biết công trình này được thiết kế ra sao. Mãi sau này, khi Nhà hát Trần Hữu Trang đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nghệ sĩ, đạo diễn… thì mới tá hỏa, có rất nhiều chi tiết thiết kế sai về sân khấu phải điều chỉnh lại.
Cho nên sắp tới, khi bắt đầu xây dựng những rạp hát hiện đại, chúng ta cần tiến hành một cách bài bản như Hà Nội vừa qua đã làm trong việc xây dựng Nhà hát Thăng Long. Với công trình văn hóa này, Hà Nội đã chọn được nhà tư vấn thiết kế quá nổi tiếng của thế giới Renzo Piano (Ý). Chúng ta nên tổ chức thi thiết kế quốc tế. Đồng thời, sau khi thi thiết kế xong, cần đưa ra lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và nhân dân trước khi quyết định chọn mẫu thiết kế phù hợp nhất. Bởi đó là công trình văn hóa cho thế hệ mai sau, chứ không phải chỉ cho thế hệ hôm nay.
Trong thời điểm hiện nay, tiến hành xây dựng những rạp hát hiện đại là phù hợp. Vào thời điểm này, việc xây dựng, mua sắm những trang thiết bị hiện đại cho nhà hát sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động biểu diễn. Từ hệ thống âm thanh, âm nhạc, cho đến ánh sáng…, chúng ta đều có thể lập trình, điều khiển qua hệ thống máy tính…
Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc: Phải có một tầm nhìn thoáng hơn...
Hiện nay, việc phát triển cơ sở hạ tầng cho văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Nếu chúng ta chỉ ngồi đếm tên của các rạp hát, tưởng là nhiều, nhưng nhìn kỹ lại, tất cả các rạp hát này đều cũ kỹ, lạc hậu so với nhu cầu phát triển. Đồng thời, công năng của nhiều rạp hát giờ cũng đã thay đổi, có những rạp hát giờ là nhà hàng, cửa hiệu… Trong khi đó, văn hóa của mình rất cần những khoảng không gian như thế. Nếu chỉ nói riêng về nghệ thuật, chúng ta có nét đặc biệt hơn nhiều nước khác, với nhiều loại hình nghệ thuật như tuồng chèo, cải lương, múa, xiếc, rối… Các loại hình nghệ thuật này, nếu đưa vào hệ thống cơ sở vật chất như hiện nay, rất khó phát triển. Đã đến lúc chúng ta phải đầu tư xây dựng những rạp hát hiện đại ở thành phố để đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập.
Với một thành phố có đến 8 – 9 triệu dân và tương lai còn phát triển mà chỉ có một vài rạp hát nhỏ bé nằm lèo tèo, lẩn khuất sau những tòa cao ốc lớn, có lẽ chúng ta đã thiếu một tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển văn hóa thành phố. Ngay khi đầu tư vào xây dựng những cơ sở vật chất, cũng cần nghiên cứu kỹ đến tính hiện đại của từng công trình. Khi xây dựng rạp hát cần phải chú ý tới tính đặc trưng của những loại hình nghệ thuật để thiết kế sao cho phù hợp. Đặc biệt, sau khi công trình được thiết kế, cần đưa ra lấy ý kiến của các nhà chuyên môn, của nhân dân…
ĐỖ HẠNH (thực hiện)