Xây dựng sàn giao dịch heo hơi

Ngày 17-12, UBND TPHCM đã có văn bản chấp thuận về chủ trương cho phép Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án Sàn giao dịch heo hơi trên địa bàn TPHCM. Theo đề án, sàn giao dịch sẽ vận hành thử nghiệm trong quý 4-2019 và công bố chính thức vào quý 1-2020. 
Pha lóc thịt heo VietGAP cung ứng bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG
Pha lóc thịt heo VietGAP cung ứng bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Khắc phục nhược điểm cố hữu 

Theo Sở Công thương TPHCM, sau khi hoàn tất giai đoạn 1 của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thị trường thịt heo của Việt Nam và TPHCM vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, công tác quy hoạch, điều tiết, định hướng chăn nuôi, sản xuất, kiểm soát thị trường chưa phát huy hiệu quả, không khuyến khích được sản xuất lớn; tình trạng mất cân đối cung cầu, được mùa, mất giá, giải cứu… liên tục diễn ra gây thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế.

Bên cạnh một số trang trại chăn nuôi của DN lớn có quy trình sản xuất công nghiệp, còn lại đa số đều là chuồng trại nhỏ của nông dân. Người chăn nuôi phải bán qua trung gian (thương lái), không đăng ký kinh doanh, bị ép giá, nạn đầu cơ… gây thiệt hại cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Chất lượng hàng hóa không đồng bộ về phẩm chất, tiêu chuẩn, gây khó khăn trong việc quản lý, đặc biệt là vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP). Hoạt động giết mổ chủ yếu làm thủ công, không đảm bảo vệ sinh dịch tễ, ATTP, thường để xảy ra các hành vi gian lận nguy hiểm như bơm nước, tiêm chích thuốc… Thất thu thuế do hoạt động mua bán chưa minh bạch, không quản lý được các đối tượng tham gia vào quá trình lưu thông, cung ứng hàng hóa, không có quy trình và công cụ thống kê và kiểm soát hữu hiệu số lượng hàng hóa giao dịch. 

Trong khi đó, thị trường TPHCM giao dịch bình quân khoảng 10.000 con heo/ngày, đạt quy mô lớn với tổng giá trị lên đến 500 triệu USD/năm. Do vậy, việc xây dựng Đề án Sàn giao dịch heo hơi sẽ khắc phục được phần lớn nhược điểm nêu trên từ việc tập hợp, thống kê được tương đối đầy đủ số liệu hoạt động chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP và các tỉnh, thành lân cận để làm cơ sở phân tích, đánh giá, đối chiếu với các yêu cầu tối thiểu cần thiết cho việc tham gia và vận hành sàn giao dịch. 

Cũng từ chương trình truy xuất nguồn gốc, Sở Công thương TPHCM đã tập hợp được danh sách các chủ thể tham gia quy trình giao dịch mua bán thịt heo như: cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, thương nhân thu mua, thương nhân tại các chợ đầu mối. 

Quy trình truy xuất nguồn gốc là công cụ hữu hiệu giúp thực hiện xâu chuỗi, kết nối, quản lý hiệu quả hoạt động chăn nuôi, sản xuất và giao dịch, đảm bảo cho sàn giao dịch vận hành dễ dàng và hiệu quả do đã có cơ sở dữ liệu từ Đề án Quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc để đồng bộ và kết nối trực tiếp vào dữ liệu của sàn. Các đối tượng tham gia đã quen sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất. Nguồn cung hàng hóa tối thiểu cho sàn được đảm bảo qua số lượng chăn nuôi heo công nghiệp, đạt chuẩn VietGAP của các DN lớn. Hai chợ đầu mối của TP là Hóc Môn và Bình Điền với quy mô phân phối lên tới 8.000 con heo/đêm, chiếm 85% thị trường, đã thống nhất ủng hộ và mong muốn sớm triển khai hình thức giao dịch qua sàn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Hội Công nghệ cao (đơn vị tư vấn cho Đề án Truy xuất nguồn gốc) đã tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp và phần mềm ứng dụng tương thích, phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam. 

Với các tỉnh, thành có nguồn cung lớn về thịt heo cho thị trường TPHCM như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre… cũng tích cực ủng hộ đề án quản lý, nhận diện và truy xuất thịt heo và hưởng ứng chủ trương của TPHCM.

Thí điểm các mặt hàng nông sản khác

Sở Công thương TPHCM cho rằng, việc hình thành sàn giao dịch sẽ giúp hiện thực hóa chủ trương giết mổ công nghiệp của TP, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông minh, hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh trên cơ sở bắt buộc heo giao dịch qua sàn phải được giết mổ công nghiệp, đạt chuẩn VietGAP và đã thực hiện truy xuất nguồn gốc từ giai đoạn chăn nuôi, phân phối lưu thông trên thị trường. Qua đó, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý ATTP. 

Bên cạnh những mặt mạnh nêu trên, việc xây dựng sàn giao dịch sẽ giúp cơ cấu lại toàn bộ ngành chăn nuôi, giết mổ theo hướng hiện đại, minh bạch, mang lại lợi ích trực tiếp cho các bên tham gia. Khi đó, người tiêu dùng có được sản phẩm sử dụng tốt nhất. 

Với người chăn nuôi sẽ có môi trường kinh doanh heo và thịt heo theo phương thức hiện đại, thông minh và lành mạnh. Các đối tượng tham gia sẽ được kết nối trực tiếp và trao quyền quyết định cho các chủ thể chính là người chăn nuôi và thương nhân chợ đầu mối. Thương lái chỉ tham gia với vai trò là người cung cấp dịch vụ logistics (bắt và vận chuyển heo). 

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, thông qua sàn giao dịch thông tin thị trường minh bạch, được cập nhật tức thời và thường xuyên tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc quy hoạch, điều tiết, định hướng chăn nuôi, sản xuất, kiểm soát thị trường. Tăng thu ngân sách thông qua chống thất thu thuế do quản lý được các đối tượng tham gia vào quá trình lưu thông, cung ứng hàng hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết việc xây dựng Đề án Sàn giao dịch heo hơi đã có được một số thuận lợi ban đầu từ nền móng của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo mà sở đã thực hiện trước đây. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước cần phải thực hiện quyết liệt mới có thể đưa đề án vào vận hành. 

Trong văn bản chấp thuận chủ trương cho phép Sở Công thương chủ trì triển khai đề án, UBND TP cũng lưu ý việc xây dựng và đưa vào hoạt động Đề án Sàn giao dịch heo hơi của TP để thí điểm nhân rộng ra các hàng hóa nông sản khác, hình thành hoạt động mua bán, kinh doanh văn minh, hiện đại; góp phần thực hiện chủ trương xây dựng TP thông minh, định hướng tái cơ cấu và chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp. Qua đó, hỗ trợ thực hiện chủ trương quy hoạch và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP. 

Mô hình vận hành và quản trị sàn giao dịch 

Theo Đề án Sàn giao dịch heo hơi, Công ty Sàn giao dịch thành lập và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp với sự tham gia của các chợ đầu mối. TPHCM cử DN tham gia làm cổ đông (nếu cần).

Công ty Sàn giao dịch đầu tư, vận hành, duy trì và quản lý hoạt động của sàn và thu phí giao dịch qua sàn. Dữ liệu sàn giao dịch thuộc nguồn dữ liệu của UBND TP được lưu trữ và quản lý tại Trung tâm Dữ liệu của TP. 

UBND TP chỉ định cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động của sàn. Đối tượng tham gia là DN, tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo, cung cấp heo hơi đạt chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, có truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ thông tin theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. DN, thương nhân kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối; DN, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ logistics (thu mua, vận chuyển, giao nhận…); DN, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ giết mổ công nghiệp; DN, tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định chất lượng độc lập.

Theo phương thức giao dịch qua sàn, người bán (cơ sở chăn nuôi) và người mua (thương nhân kinh doanh thịt heo tại 2 chợ đầu mối) trao đổi thông tin, thống nhất giá cả, phương thức vận chuyển, kiểm tra chất lượng hàng hóa thông qua sàn giao dịch với các phương thức kinh doanh sau:
- Trường hợp 1: Người bán xuất bán heo hơi tại trại, người mua thanh toán tiền hàng và thuê phương tiện vận chuyển bắt heo để vận chuyển về cơ sở giết mổ công nghiệp (thương nhân đã ký hợp đồng giết mổ) để giết mổ. Heo sau khi giết mổ sẽ vận chuyển về chợ đầu mối kinh doanh. Thương lái chỉ đóng vai trò là đơn vị thực hiện dịch vụ vận chuyển heo từ nơi này đến nơi khác theo yêu cầu của người mua.
- Trường hợp 2: Người bán xuất bán heo hơi và vận chuyển heo đến cơ sở giết mổ công nghiệp để bán cho người mua. Người mua nhận heo hơi tại cơ sở giết mổ, thanh toán tiền hàng và phí vận chuyển đến cơ sở giết mổ cho người bán, giết mổ heo và vận chuyển về chợ đầu mối. Người mua và người bán có thể thuê thương lái thực hiện các dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng. 
- Trường hợp 3: Người bán xuất bán heo hơi, vận chuyển đến cơ sở giết mổ công nghiệp để giết mổ và bán cho người mua sản phẩm heo mảnh. Người mua nhận heo mảnh tại cơ sở giết mổ và vận chuyển về chợ đầu mối. Người mua thanh toán tiền hàng cho người bán khoản chi phí gồm: tiền hàng (giá bán heo hơi) + phí vận chuyển (từ trang trại của người bán đến cơ sở giết mổ) + phí giết mổ. 

Trong cả 3 trường hợp nêu trên, để đảm bảo chất lượng thịt heo sau khi giết mổ tại các cơ sở công nghiệp, người bán - mua thương lượng quyết định đơn vị kiểm định độc lập kiểm tra về tỷ lệ nạc, mỡ, độ pH… trong thịt để quyết định giá bán, giá mua, thưởng, phạt.

Ngay sau khi có văn bản chấp thuận đề án của UBND TPHCM, Sở Công thương đang tiến hành làm việc với các sở ngành của TP, chợ đầu mối và các tỉnh, thành nhằm đảm bảo đưa đề án vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Tin cùng chuyên mục