Xây dựng trái phép chưa giảm

Hàng loạt vụ việc xây dựng không phép, trái phép diễn ra trên địa bàn quận 7 (TPHCM) đang được các cơ quan chức năng xử lý. Điều đáng nói là những vụ việc này đã được phát hiện từ lâu, nhưng địa phương, cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, không xử lý triệt để, nên gây bức xúc trong dư luận.
Xây dựng trái phép chưa giảm

Hàng loạt vụ việc xây dựng không phép, trái phép diễn ra trên địa bàn quận 7 (TPHCM) đang được các cơ quan chức năng xử lý. Điều đáng nói là những vụ việc này đã được phát hiện từ lâu, nhưng địa phương, cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, không xử lý triệt để, nên gây bức xúc trong dư luận.

Lấn chiếm kênh rạch, xây dựng không phép, sai phép

Ngày 20-11-2015, UBND quận 7 cấp giấy phép xây dựng số 1706 cho ông V.N.S. xây dựng công trình thể dục thể thao trên khu đất hơn 324m2 tại phường Bình Thuận. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không xây dựng công trình thể dục thể thao mà xây dựng nhà ở, sử dụng sai công năng, chuyển từ mục đích sử dụng cho thể dục thể thao sang nhà ở, xây tăng chiều cao. Sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt hành chính và buộc cưỡng chế tháo dỡ, nhưng thực tế công trình lại phát sinh một số hạng mục chưa được Đội Thanh tra địa bàn lập biên bản, khác biệt so với quyết định cưỡng chế, nên công trình… chưa thể cưỡng chế. Ngoài công trình nói trên, ông S. còn xây 2 dãy nhà (mỗi dãy 3 căn) trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu lấn chiếm ao rạch, các căn nhà trên đang trong quá trình hoàn thiện.

Tại quận 7, còn có nhiều trường hợp lấn chiếm kênh rạch làm nhà ở, chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác, như trường hợp ông Tr.V.H. tại KP5, phường Bình Thuận, ngoài diện tích đất hợp pháp được UBND quận 7 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, ông H. còn lấn chiếm kênh rạch với diện tích gần 950m2. Hành vi lấn chiếm kênh rạch, san lấp trái phép của ông H. đã bị cơ quan chức năng xử phạt 4 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, tuy nhiên UBND phường Bình Thuận vẫn chưa tổ chức cưỡng chế theo quyết định của UBND quận 7. 

Theo phản ánh của người dân ở khu phố 5, phường Bình Thuận, những vụ việc san lấp kênh rạch, xây dựng sai phép, không phép nói trên đã diễn ra từ lâu. Người dân nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền thiếu kiên quyết, mới gây nên hậu quả như vậy. Mới đây, một người dân ở hẻm 376 đường Huỳnh Tấn Phát phản ánh với đường dây nóng của lãnh đạo TP về việc họ muốn mua đất ở hẻm này để xây nhà ở, tìm hiểu tại địa phương thì được biết khu vực này bị quy hoạch nên không xây nhà được. Nhưng sau đó, cũng chính khu vực này lại có hàng chục căn nhà lầu được mọc lên và treo bảng bán. Việc lấn chiếm kênh rạch, xây dựng trái phép dẫn đến tình trạng ngập úng, gây bức xúc cho người dân.

Hiện TP có hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch do người dân lấn chiếm cần di dời trong thời gian tới

Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?

Người dân cho biết đã nhiều lần phản ánh tình trạng nói trên đến UBND phường nhưng đều vô hiệu. Chính quyền địa phương lập biên bản việc san lấp, lấn chiếm kênh rạch trái phép. Thế nhưng, khi cơ quan chức năng rút đi, việc san lấp không chỉ tái diễn mà ngày càng phình to hơn. Mỗi khi người dân phản ánh, phường lại cho người đến kiểm tra, lập biên bản, nhưng rồi vẫn đâu vào đó. Không chấp nhận kiểu giải quyết “nửa vời” của chính quyền địa phương, người dân phản ứng quyết liệt. Lúc này, UBND phường Bình Thuận mới ra quyết định đình chỉ thi công công trình và cưỡng chế vi phạm, ban hành kế hoạch, thông báo cụ thể thời gian cưỡng chế cho người dân biết. Cứ tưởng mọi việc đã được xử lý dứt điểm, thế nhưng theo người dân, những biện pháp xử lý trên lại tiếp tục chỉ diễn ra trên giấy. Không chỉ vậy, việc lập biên bản vi phạm xây dựng không phép, sai phép tại một số công trình của UBND phường Bình Thuận cũng không đúng với hiện trạng thực tế, gây khó khăn cho việc xử lý. Cụ thể, trường hợp bà N.T.D.C. được UBND quận cấp phép xây dựng công trình tạm để phục vụ cho ươm cây, gồm hai dãy nhà 10,8m x 20m và 3,8m x 20m với quy mô 1 lầu. Nhưng bà C. xây dựng 2 lầu và biến thành nhà ở. UBND phường Bình Thuận lập biên bản vi phạm hành chính số 11 ngày 25-4-2016, với quy mô sai phạm là 7m x 25m x 1 lầu, nhưng qua kiểm tra thực tế thì sai phạm đến 2 lầu. Do vậy, Phòng Quản lý đô thị buộc phải có tờ trình xin ý kiến Thường trực UBND quận hủy quyết định xử phạt của UBND quận về trường hợp trên vì chưa đúng với thực tế.

Việc không kiên quyết xử lý dứt điểm những trường hợp xây dựng không phép, sai phép cũng như lấn chiếm kênh rạch tại quận 7 đã để lại hậu quả không nhỏ. Nhiều người dân mua nhà xây dựng trên đất lấn chiếm có nguy cơ bị “đẩy ra đường” nếu những công trình này buộc phải tháo dỡ. Vì sao nhiều vụ việc xảy ra, diễn ra trong thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm? Trách nhiệm của UBND phường, của Đội Thanh tra xây dựng địa bàn ở đâu? Một trong những chương trình trọng điểm của TPHCM từ nay đến năm 2020 là di dời hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch nhằm cải tạo môi trường, mỹ quan đô thị, cũng như tái lập chỗ ở mới cho người dân tốt hơn. Nhưng nếu TP quyết tâm mà địa phương lơ là (như ở quận 7) thì liệu mục tiêu trên có trở thành hiện thực?

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục