Theo Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT TPHCM, toàn TP cần bổ sung thêm 15.000 phòng học (tập trung nhiều nhất ở hai bậc mầm non và tiểu học) mới đáp ứng hết nhu cầu học tập của người dân. Song làm sao để hoàn thành chỉ tiêu trên đang là câu hỏi khó đặt ra cho các địa phương.
Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) nhiều năm liền giữ kỷ lục là trường tiểu học đông học sinh nhất TPHCM với hơn 4.000 học sinh
“Cung” không kịp “cầu”
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến hết học kỳ 1 năm học 2015 - 2016, toàn TP có 59,71% học sinh tiểu học và 38,15% học sinh THCS đang học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, nếu ở bậc tiểu học, tỷ lệ này không chênh lệch nhiều giữa 13 quận nội thành (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh và Phú Nhuận), 6 quận mới thành lập (gồm các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân) và 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) thì ở bậc THCS, cán cân thiếu hụt nghiêng hẳn về các quận nội thành. Theo đó, 13 quận nội thành có tỷ lệ học sinh THCS được học 2 buổi/ngày trung bình là 26,38% (thấp hơn 11,77% so với tỷ lệ chung toàn TP), trong đó nhiều nơi có tỷ lệ thấp “chạm đáy” như quận 5 (1,9%), Tân Phú (4,97%), Tân Bình (10,34%)... Ngược lại, ở 5 huyện ngoại thành, tỷ lệ này là 59,4% (cao hơn 21,25% so với tỷ lệ chung toàn TP), đặc biệt có 2 huyện cán mốc 100% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày là Nhà Bè và Cần Giờ.
Phó trưởng phòng GD-ĐT một quận ở nội thành bày tỏ, trường lớp quá thiếu so với nhu cầu của người dân nên ngoài giải pháp xây thêm trường mới, nhiều địa phương đã ưu tiên cải tạo, sửa chữa các cơ sở hiện hữu để tạo thêm chỗ học. “Trước mắt chỉ có thể chạy đua lo hai bậc mầm non và tiểu học, còn THCS chắc phải nhiều năm nữa mới dám nghĩ đến chỉ tiêu 65% học sinh được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của UBND TP”, vị này cho biết. Minh chứng điều này, năm học qua Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) đã kín hết chỉ tiêu nhận học sinh ở tất cả khối lớp dù là năm đầu tiên hoạt động sau khi chuyển đổi công năng từ Trường THCS Tây Sơn (phường 17, quận Gò Vấp). Tương tự, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Tân Phú) sau khi giải tán bếp ăn để chuyển đổi thành phòng học vẫn không giảm được sĩ số học sinh/lớp. Nguyên nhân là do tỷ lệ gia tăng dân số cơ học ở những nơi này quá lớn, học sinh tăng đến đâu, trường lớp gồng mình gia tăng đến đó chứ chưa thể đi trước dự báo đón đầu.
Chạy đua với thời gian
Trước thực tế đó, các quận, huyện đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, trong đó có hàng loạt dự án dự kiến sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2016-2017. Tại Thủ Đức, hai dự án xây mới Trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 1 (phường Linh Xuân) và Trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 2 (phường Linh Trung) đến nay mới đạt hơn 60% tiến độ thi công, địa phương cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sử dụng từ tháng 8-2016. Quận Gò Vấp hiện cũng có 2 dự án xây trường đang triển khai gồm Mầm non phường 12 và THCS phường 7. “Dự kiến từ nay đến năm 2018, chúng tôi sẽ khởi công xây thêm 6 trường học gồm một trường mầm non, bốn trường tiểu học và một trường THCS. Ngoài ra, địa phương cũng đang trong giai đoạn lập hồ sơ đầu tư xây dựng 5 dự án trường mầm non theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn các phường 5, 7 và 10”, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết. Riêng ở quận Bình Tân, tổng cộng có 14 công trình trường học đang triển khai gồm 6 công trình cải tạo, mở rộng cơ sở cũ (3 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS) và 8 công trình trường học xây mới. Trong đó, sẽ có 10 công trình kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm học 2016-2017, với tổng số phòng học tăng thêm là 128 phòng, giải quyết được 3.630 chỗ học mầm non và 810 chỗ học THCS trên địa bàn.
Tuy nhiên, mới đây tại buổi làm việc với đoàn đại biểu HĐND TPHCM về tình hình khảo sát học sinh học 2 buổi/ngày, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, để đáp ứng hết nhu cầu về chỗ học cho người dân, không phải một mình ngành giáo dục có thể giải quyết được mà cần có sự phối hợp, vào cuộc chỉ đạo của UBND các cấp, đồng thời phải có sự hỗ trợ của nhiều ngành, tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng kiến nghị các quận, huyện quan tâm hơn nữa việc mời gọi cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư xây dựng trường học theo hình thức xã hội hóa, khuyến khích khối trường ngoài công lập chia sẻ áp lực chỗ học với trường công để người dân có thêm nhiều lựa chọn.
|
Thu Tâm