Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đầu tư, nhưng thời gian qua, tốc độ xây dựng trường mầm non trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) đáp ứng nhu cầu của người lao động vẫn còn chậm, hàng loạt khó khăn chưa được tháo gỡ. Ngày 4-10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị về các giải pháp phát triển giáo dục mầm non ở KCX, KCN, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.
Địa phương linh hoạt
Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác xây dựng nhà trẻ trong các KCX, KCN chưa được các bộ, ngành quan tâm đầu tư đúng mức. Trong đó, nhiều dự án đầu tư đã có quy hoạch đất sử dụng nhưng chưa dành quỹ đất xây dựng trường mầm non nay phải điều chỉnh lại quy hoạch gây tốn kém thời gian, khó khăn về hồ sơ thủ tục. Trước thực tế đó, UBND TP đã đưa ra giải pháp tạm thời là điều chỉnh một phần diện tích đất công viên cây xanh để xây dựng trường mầm non, đáp ứng chỗ gởi con của công nhân trên địa bàn. TP còn dành nhiều chính sách ưu đãi đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục như mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đối với các dự án đầu tư xây mới trường mầm non, ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, thời hạn trả vốn vay kéo dài từ 7 năm lên 10, thậm chí 15 năm tùy theo tính chất, quy mô từng dự án. Nhờ quyết tâm thực hiện các dự án xã hội hóa, đến nay trong tổng cộng 15 KCX, KCN đang hoạt động đã có 15 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non với tổng quỹ đất hơn 46.000m2, dự kiến đáp ứng chỗ học cho khoảng 4.000 trẻ.
Công ty TNHH Sambo (huyện Củ Chi) xây dựng trường mầm non trong khuôn viên công ty để nuôi dạy con của công nhân.
Đánh giá về quá trình thực hiện, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Tiến độ xây dựng trường mầm non trong các KCX, KCN hiện nay không phải đầu tư bình thường nữa mà là quyết liệt đầu tư. Mỗi năm TPHCM sẽ có thêm từ 300 - 400 phòng học xây mới, dự kiến đến năm 2020 sẽ có trên 1.000 phòng học mới đưa vào sử dụng”.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, UBND tỉnh đã mạnh dạn đầu tư từ nguồn ngân sách hơn 700 tỷ đồng phục vụ 28 dự án xây mới trường mầm non, giải quyết hơn 20.000 chỗ học là con công nhân lao động trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản cho phép các chủ đầu tư dành 15% - 25% diện tích đất công ích trong các KCX, KCN xây dựng trường mầm non. Bên cạnh đó, địa phương cũng chấp thuận cho 9 doanh nghiệp đầu tư xây mới trường mầm non trên quan điểm phi lợi nhuận, phụ huynh chỉ đóng tiền ăn, còn lại lương giáo viên do doanh nghiệp tài trợ và tự chi trả. Hiện mô hình này đã thu hút được hơn 1.300 trẻ đang theo học.
Riêng ở Đồng Nai, UBND tỉnh đã cho phép các chủ đầu tư triển khai cùng lúc 3 mô hình: giao quyền quản lý trường mầm non cho chủ doanh nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng; Doanh nghiệp này xây dựng giao doanh nghiệp khác đứng tên quản lý; doanh nghiệp xây dựng trường mầm non xong giao địa phương quản lý. Bước đầu cách làm này đã giúp các doanh nghiệp đa dạng trong việc lựa chọn hình thức đầu tư, góp phần phát triển mạng lưới trường mầm non trên địa bàn.
Chờ thay đổi căn cơ
Tuy nhiên, tất cả địa phương đều thừa nhận những giải pháp trên chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài, cần điều chỉnh Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động trong các KCX, KCN. Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, quy định hiện nay cho phép chủ đầu tư sử dụng đất trong KCX, KCN triển khai các dự án xã hội hóa được miễn tiền sử dụng đất với yêu cầu các dự án phải ký kết hợp đồng thuê đất trực tiếp từ Nhà nước. Trong khi đó, thực tế hiện nay cho thấy nhiều chủ đầu tư phải thuê lại đất của các công ty hạ tầng KCN nên không được miễn, giảm tiền thuê đất, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Theo kiến nghị của ông Phạm Huy Thông, Phó trưởng Ban quản lý các KCX, KCN TPHCM, các bộ, ngành cần ngồi lại nghiên cứu để ban hành quy chế hoạt động riêng cho hệ thống các trường mầm non trong KCX, KCN, trong đó quy định cụ thể về diện tích, tầm cao tối đa của các dự án xây dựng, chế độ hỗ trợ dành riêng cho giáo viên trường mầm non trong các KCX, KCN với yêu cầu giờ giấc đặc thù.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị, trong thời gian chờ đợi những thay đổi căn cơ từ trung ương, các địa phương chủ động hơn trong việc quản lý các nhóm, lớp ngoài công lập, đáp ứng tối đa nhu cầu về chỗ học cho người dân trên địa bàn.
|
THU TÂM