Xây nhà để… chờ đền bù

Từ khi có thông báo quy hoạch xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku (tỉnh Gia Lai), hàng chục hộ dân ở xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah nằm trong vùng có tài sản bị ảnh hưởng đổ xô thuê thợ xây nhà, bể nước, hàng rào để… chờ đền bù.

Từ khi có thông báo quy hoạch xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku (tỉnh Gia Lai), hàng chục hộ dân ở xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah nằm trong vùng có tài sản bị ảnh hưởng đổ xô thuê thợ xây nhà, bể nước, hàng rào để… chờ đền bù.

Xây nhà để… chờ đền bù ảnh 1

Một căn nhà của hộ dân thôn 3 xây trái phép để nhận đền bù

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku có tổng chiều dài hơn 30km, sẽ đi các huyện Chư Pah, Ia Grai, Chư Prông và TP Pleiku. Tại huyện Chư Pah, tuyến đường này có chiều dài 5,15km đi qua xã Hòa Phú, thị trấn Phú Hòa và xã Nghĩa Hòa. Tổng cộng có 107 hộ dân của huyện có tài sản gồm nhà, cây cối… bị ảnh hưởng khi xây dựng đoạn tuyến đường này. Riêng xã Nghĩa Hòa có 66 hộ dân có tài sản bị ảnh hưởng. Vào ngày 14-6-2016, khi ngành chức năng công bố quy hoạch xây dựng đoạn tuyến đường tránh nói trên, nhiều hộ dân ở các thôn 3 và thôn 6, xã Nghĩa Hòa thuê người xây nhà và các công trình phụ khác. Dọc con đường dự kiến xây tuyến đường tránh đi qua thôn 3, nhiều căn nhà xây dựng trái phép vẫn còn mùi vôi vữa, mái lợp bằng tôn. Đa phần những căn nhà mới xây đều cửa đóng then cài và không có người ở.

Căn nhà mới xây dựng của ông Nguyễn Hữu Lâm (thôn 3, xã Nghĩa Hòa) nằm lọt thỏm giữa rẫy cà phê rộng lớn, cách căn nhà chính mà gia đình ở khoảng 1km. Căn nhà này có chiều dài khoảng 8m, ngang 6m và hồ chứa nước nằm bên cạnh có chiều dài 10m, ngang 6m. Dù xây dựng khá kiên cố nhưng căn nhà không có đường vào mà phải đi bằng lối mòn của rẫy cà phê. Ông Lâm xác nhận, nhà của ông xây dựng vào cuối tháng 6-2016 để canh giữ tiêu và cà phê. Ông Huỳnh Chánh, trưởng thôn 3, xã Nghĩa Hòa, cho biết, vào cuối tháng 6-2016, tức sau khi thông báo quy hoạch xây dựng tuyến đường tránh đô thị Pleiku, rất đông người dân thuê thợ vào xây nhà và hồ chứa nước. Có trường hợp người dân xây công trình lên 2m rồi bỏ đó. Trường hợp khác khi tổ công tác đến kiểm tra thì thợ xây bỏ trốn vào rẫy cà phê. Ở thôn có hơn 30 hộ nằm trong vùng có tài sản bị ảnh hưởng khi xây dựng tuyến đường thì có hơn một nửa các hộ xây dựng công trình vi phạm với số lượng 7 căn nhà và 32 hồ chứa nước. Đa số các công trình xây xong không sử dụng, chỉ khóa cửa để vậy.

Theo thống kê của huyện Chư Pah, hiện có 32 hộ dân ở xã Nghĩa Hòa xây dựng 44 công trình trái phép, gồm nhà, hồ chứa nước, hàng rào… Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cho biết, sau khi công bố quy hoạch, UBND xã đã ra thông báo gửi cho các hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng để biết. Xã cũng đã thành lập tổ chuyên môn đi kiểm tra, xử lý, lập biên bản các trường hợp xây dựng trái phép. Người dân lý giải việc xây dựng trái phép rằng “nhà người ta thì người ta xây dựng”. Tuy nhiên, thực tế người dân xây dựng để sau này chờ đền bù.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, các hộ dân xây công trình trái phép mục đích để nhận tiền đền bù, trục lợi. UBND huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các hộ dân xây dựng các công trình trái phép, đồng thời thông báo dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm nhưng đến nay người dân chưa chấp hành. “Hiện chúng tôi đã thành lập các tổ công tác vận động dân tự tháo dỡ, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ để giao mặt bằng cho đơn vị thi công”, ông Quang nhấn mạnh.

HỮU PHÚC

Tin cùng chuyên mục