(SGGP).- Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16-10 về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Năm 2013, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt lưu lượng 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016 - 2017 sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm và sẽ quá tải vào những năm sau đó (dự kiến đến năm 2025 sản lượng hành khách là 40,4 triệu hành khách/năm, đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách).
Hiện tại, hoạt động khai thác tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tại nhiều thời điểm đã xảy ra tình trạng quá tải; nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Trong khi đó, sự chồng lấn vùng trời (đường bay dân sự và quân sự) giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) thường xuyên xảy ra nên khó đáp ứng những chuyến bay ngày càng tăng. Do đó, việc phải nhanh chóng đầu tư mở rộng hoặc xây mới một cảng hàng không nhằm đáp ứng sự quá tải của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cần thiết.
Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí từ năm 2005. Với diện tích quy hoạch 5.000ha xây dựng một cảng hàng không quốc tế hiện đại có công suất 100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất hạ cánh; đảm bảo có khu vực dùng riêng cho một căn cứ quân sự lớn trong tương lai (1.000ha). Quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đảm bảo nhu cầu giao thông tiếp cận và kết nối giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành với TPHCM (3 đường cao tốc: TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; đường sắt: TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…).
Dự án được đầu tư xây dựng chia làm 3 giai đoạn. Theo đó, quy mô giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất hạ cánh với dự toán tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng (7,8 tỷ USD). Việc huy động vốn dự kiến vốn ngân sách Nhà nước (vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 47.859 tỷ đồng (29,1%), do Tổng Công ty Cảng hàng không VN vay lại vốn ODA của Chính phủ và tự hoàn trả, vốn ngân sách Nhà nước là 24.081 tỷ đồng (14,6%). Giai đoạn 2, nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tại cuộc họp báo, hàng loạt câu hỏi về vốn đầu tư, phương án tiền vay cụ thể ở đâu, tính cấp thiết, phân kỳ đầu tư như thế nào khi nợ công tăng, hiệu quả của dự án... đã được đặt ra. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan đã giải đáp: Xây sân bay Long Thành là cần thiết. Về nguồn vốn đầu tư, giai đoạn 1 của dự án là khoảng 165.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 84.000 tỷ đồng, do ngoài tiền giải phóng mặt bằng thì phải xây dựng hạ tầng cơ bản, trong đó có hệ thống giao thông phục vụ và sân đậu. Tuy nhiên, hạ tầng cơ bản như giao thông đi lại và giao thông phục vụ phải dùng đến nguồn vốn nhà nước. Về nợ công, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, tác động các khoản vay lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019, dự kiến khoảng 0,091% vào năm 2022.
QUỐC HÙNG - MỸ HẠNH