Giám sát, kiểm tra ở quận 11: Không chỉ tìm ra cái sai

Giám sát, kiểm tra ở quận 11: Không chỉ tìm ra cái sai

(SGGP).- “Nhờ giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đã góp phần hạn chế và ngăn ngừa sai phạm của đảng viên và tổ chức Đảng. Qua giám sát, các cấp ủy phát hiện một số trường hợp sai phạm, phải chuyển sang kiểm tra dấu hiện vi phạm…” - bà Phan Thị Xuyến, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (UBKT) quận 11 TPHCM - đánh giá kết quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và UBKT các cấp ở địa phương từ đầu năm đến nay.

Ủy ban Kiểm tra Quận ủy vào cuộc

Ngày 25-11-2008, Công an quận 11 bắt quả tang hai mẹ con bà Phan Thị Sửu, Quách Thị Ngọc Lệ cùng một số người khác đang thầu đề và ghi số đề. Để “chạy” cho mẹ, con trai bà Sửu nhờ Nguyễn Văn Đồng liên hệ với Lê Thanh Hùng, điều tra viên Công an quận 11 - lo cho bà Sửu được tại ngoại với giá 25 triệu đồng.

Sau đó, bà Sửu được cho tại ngoại với lý do tuổi cao và vai trò không đáng kể trong vụ việc. Riêng trường hợp của Lệ, Công an quận 11 vẫn có công văn đề nghị VKSND cùng cấp phê chuẩn tạm giam. Con trai bà Sửu tiếp tục nhờ Đồng và Võ Văn Sa (cảnh sát khu vực Công an phường 8 quận 11). Sa liên hệ với Hùng, sau đó Hùng liên hệ với ông Phạm Văn Nhàn, Phó Viện trưởng VKSND quận 11 “xin” tại ngoại.

Ông Mai Thanh Giang (đứng), Phó Chủ nhiệm UBKT Quận ủy quận 11, hướng dẫn quy trình xử lý kỷ luật Đảng một số đảng viên phường 14. Ảnh: H.H.

Ông Mai Thanh Giang (đứng), Phó Chủ nhiệm UBKT Quận ủy quận 11, hướng dẫn quy trình xử lý kỷ luật Đảng một số đảng viên phường 14. Ảnh: H.H.

Ông Nhàn đã ký văn bản không phê chuẩn đề nghị tạm giam với bị can Lệ. Chạy được vụ này, gia đình bà Sửu đưa cho Sa 60 triệu đồng. Sa tự giữ lại 5 triệu đồng, còn lại đưa cho Hùng. Hùng khai đưa ông Nhàn 25 triệu đồng. Trước khi vụ việc được chuyển giao cho VKSND tối cao, Quận ủy quận 11 đã giao cho UBKT Quận ủy kiểm tra, xác minh. UBKT quận vào cuộc…

Bà Xuyến kể: UBKT Quận ủy có 4 người thì cả 4 phải chia nhau làm việc với tất cả các đương sự trong vụ việc nghi vấn, tổ chức đối chất khi có lời khai khác nhau, đồng thời tìm gặp cả nhân viên ở quán cà phê nơi các đối tượng nghi vấn trao đổi tiền.

Hầu hết những đối tượng có liên quan đều thừa nhận hành vi đưa, nhận hối lộ. Riêng ông Phạm Văn Nhàn, Phó Viện trưởng VKSND quận 11, không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, với những chứng cứ thu thập được và qua lời khai của các đối tượng, UBKT Quận ủy đã kiến nghị chuyển Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP để tiếp tục làm rõ mức độ vi phạm. UBKT Quận ủy còn đề nghị kiểm điểm, xử lý sai phạm đối với một số đảng viên, cán bộ khác như Viện trưởng Viện KSND quận Hứa Văn Hùng, các kiểm sát viên Phạm Thị Thơm, Lê Hữu Đức…

Đây không phải là lần đầu UBKT quận vào cuộc và làm sáng tỏ những dấu hiệu vi phạm của đảng viên. Trước đó, cũng từ đơn thư của cán bộ hưu trí gửi trực tiếp UBKT quận, UBKT quận đã xác minh và làm rõ dấu hiệu vi phạm của một lãnh đạo UBND phường 2 và một lãnh đạo của phường 6 trong việc để người quen xây nhà vượt quá tầng cao quy định ở địa phương.

Ngoài ra, qua tố cáo của đảng viên, UBKT quận cũng vào cuộc và làm sáng tỏ dấu hiệu vi phạm của một số đảng viên chi bộ ban quản lý chợ Bình Thới trong sử dụng quỹ vận động. Riêng vụ việc ở chợ Bình Thới, UBKT đã chuyển hồ sơ sang Quận ủy quận 11 kết luận, xử lý…

Giám sát để ngăn ngừa sai phạm

“Để công tác giám sát đạt hiệu quả, UBKT quận tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực “nhạy cảm” như: tư pháp, nhà đất và các đơn vị sự nghiệp có thu về quản lý nhiều nguồn quỹ đoàn thể” - Bí thư Quận ủy quận 11 Dương Công Khanh nói.

Ông cho biết thêm, khi các cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện thì công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm gặp không ít trở ngại, đòi hỏi người làm công tác này phải kiên trì, thận trọng, vững nghiệp vụ. Nếu xử lý không đúng người, đúng việc, sẽ gây thiệt hại cho cán bộ đảng viên và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn quận trong việc thực hiện các chương trình, nghị quyết trọng điểm của Đảng bộ (thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch phường, xóa đói giảm nghèo, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…) đã hỗ trợ tích cực cho công tác chỉ đạo điều hành của Quận ủy. Qua giám sát, nhiều vụ việc đã được phát hiện, xử lý rốt ráo; cán bộ, đảng viên sai phạm được uốn nắn sửa chữa, khắc phục ngay từ đầu, nên không để mất thêm cán bộ.

Nói về kinh nghiệm kiểm tra, giám sát, bà Phan Thị Xuyến cho rằng: “Thường những vụ việc khiếu nại kéo dài là do chưa tìm ra nguyên nhân sai phạm, nên hình thức xử lý chưa đúng. Vì vậy, UBKT bám vào Điều lệ Đảng, các quy định của Trung ương và dựa vào chương trình hành động của cấp ủy để đấu tranh với những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Người làm công tác kiểm tra Đảng phải vững vàng và độc lập. Khi gặp sự việc có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, phải biết lắng nghe, đến tận nơi để thẩm tra, xác minh sự việc…”.

Bí thư Quận ủy Dương Công Khanh khẳng định: “Luôn gần gũi, sâu sát với tổ chức cơ sở đảng và phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đảng viên là yêu cầu cơ bản của người làm công tác kiểm tra. Không chỉ đơn thuần là tìm ra cái sai để xử lý kỷ luật mà còn phải biết thể hiện tình cảm với đảng viên, với đồng chí của mình, tạo cho đồng chí mình có cơ hội để sửa chữa khuyết điểm mới là điều quan trọng”.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục