Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (Từ tháng 12-1976 đến tháng 3-1982)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (Từ tháng 12-1976 đến tháng 3-1982)

Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước ta bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình thống nhất độc lập và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Quá trình thống nhất đất nước diễn ra hết sức khẩn trương, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Trước hoàn cảnh lịch sử trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi đồng thời cũng có nhiều khó khăn thách thức, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV tại thủ đô Hà Nội từ 14 đến 20-12-1976. Dự đại hội có 1.008 đại biểu thay mặt cho hơn 1,5 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội tổng kết, đánh giá ý nghĩa thắng lợi và những bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Đại hội thảo luận và nhất trí quyết định những vấn đề lớn của đất nước: Quyết định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn mới; quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980); quyết định đường lối xây dựng Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới; đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội thông qua điều lệ sửa đổi và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư, Ban Bí thư gồm 9 thành viên.

Thực hiện đường lối của Đại hội IV, cả nước sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm khôi phục và phát triển kinh tế (1976-1980). Miền Nam tiến hành công cuộc cải tạo các thành phần kinh tế, miền Bắc đẩy mạnh nhiệm vụ củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ngày 20-7-1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hiệp quốc. Với những hậu quả nặng nề của chiến tranh, những khó khăn thử thách mới phát sinh, nhất là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề, cùng với những sai lầm khuyết điểm chủ quan nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, chậm chuyển đổi cơ chế quản lý, đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX.

Hội nghị lần VI (9-1979) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trương “Phải sửa đổi và cải tiến các chính sách hiện hành, nhất là chính sách về lưu thông, phân phối, nhằm làm cho sản xuất bung ra”. Có thể coi đây là chủ trương khởi đầu của quá trình tìm tòi con đường đổi mới ở Việt Nam.

(Còn tiếp)

M. THẢO (Tổng hợp tư liệu)

Tin cùng chuyên mục