Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

Bài 9: Phải bài bản trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc hết sức quan trọng. Đảng ta luôn coi trọng công việc này trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào. Nhìn chung, trong những năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ Trung ương đã có những thành quả tích cực. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mới, công tác này cần được tiến hành bài bản hơn nữa.
Bài 9: Phải bài bản trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

1. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc hết sức quan trọng. Đảng ta luôn coi trọng công việc này trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào. Nhìn chung, trong những năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ Trung ương đã có những thành quả tích cực. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mới, công tác này cần được tiến hành bài bản hơn nữa.

PGS-TS Lê Quốc Lý

PGS-TS Lê Quốc Lý

Có thể nói, đội ngũ cán bộ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, có phẩm chất chính trị vững vàng, trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt, được thử thách, rèn luyện qua thực tiễn công tác, trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn phải công nhận rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả đảng viên giữ vị trí lãnh đạo suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng…

Trong thời điểm hiện tại, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với nhiệm vụ làm thế nào để Đảng ta mạnh hơn, hoạt động của Đảng gắn liền với sự phát triển của đất nước và Đảng ngày một trong sạch vững mạnh. Nếu như trước kia, chính quyền non yếu, số lượng đảng viên ít nhưng Đảng đã thu hút được những nhân tài, những chí sĩ, những nhà yêu nước đồng lòng đồng chí với nhau thì nay phải lựa chọn những cán bộ thực sự có đức, có tài để đưa vào nguồn kế cận, dự bị; từng bước thử thách, giao nhiệm vụ và đưa đi đào tạo để cán bộ rèn luyện ở trường lớp và trong thực tiễn.

Cụ thể, công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như quy hoạch cán bộ cần phải làm bài bản hơn nữa. Thực tế là chúng ta mới chỉ tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện ở cấp trung ương. Điều này dẫn đến một số hệ lụy như thiếu đồng bộ hoặc bố trí không đúng sở trường. Nhiều người được đề bạt rồi nhưng chưa biết mình là ai, yêu cầu của công việc ra sao, về mặt hành chính, về mặt thể chế, về mặt pháp luật… hoặc các công việc cần phải giải quyết, trọng trách mình gánh vác. Rồi sự phân cấp giữa cấp trưởng và cấp phó. Cấp trưởng chịu trách nhiệm đến đâu, cấp phó chịu trách nhiệm đến đâu, các bộ phận chức năng sẽ thực hiện nhiệm vụ gì. Điều này còn phụ thuộc vào năng lực của từng người. Có nơi cấp trưởng tranh làm hết mọi việc, có nơi cấp phó lấn át cấp trưởng, các bộ phận chồng chéo, lấn át quyền lực của nhau và làm ảnh hưởng đến công việc chung, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương, thậm chí cả nước.

Cũng không thể phủ nhận có nhiều nơi đã làm đúng quy trình, chọn lựa được những cán bộ tốt, có chất lượng. Nhưng cũng có nơi chưa được tốt, chọn lựa còn vì lợi ích cục bộ, hoặc vì lãnh đạo không gương mẫu. Dẫn đến chất lượng của đội ngũ kế cận không cao.

2. Trách nhiệm người đứng đầu là hết sức quan trọng, vì thế phải có cơ chế giám sát để lựa chọn ra những người thật sự có tài, giới thiệu cho Đảng và Nhà nước. Một trong những vấn đề đang làm yếu các đảng cầm quyền hiện nay là lựa chọn chưa được những người có tài thực sự. Cơ chế bỏ phiếu không phải là cơ chế tốt nhất để chọn lựa. Bên cạnh lựa chọn cán bộ thì phải gắn với bồi dưỡng. Chương trình, giáo trình phải cập nhật, hiện đại và gắn liền với thực tiễn, đưa vào những vấn đề mới, nóng, kiến giải những vấn đề, xu thế phát triển của đất nước, của thế giới. Mặt khác, người được đào tạo phải tôn trọng việc học của mình, phải đi học đầy đủ. Phần lớn cán bộ đi học nghĩ đó là vinh dự, là cơ hội để phát triển, chuyên tâm học tập. Song cũng không hiếm những cán bộ đi học không nghiêm túc, đi học mà không thấy giá trị của việc học, chỉ nhăm nhăm có được tấm bằng, hợp thức hóa những điều kiện quy hoạch, đề bạt về sau.

Hiện tại, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đang biên soạn chương trình cho các lớp học đặc biệt này. Chương trình đang được tham khảo ý kiến các nhà khoa học. Trước mắt, sẽ biên soạn chương trình đào tạo kỹ năng cho lãnh đạo cấp vụ trưởng, vụ phó, các sở, ban ngành và các cấp chiến lược như thứ trưởng, bộ trưởng. Theo đó, hàng năm, những cán bộ mới nhận nhiệm vụ phải qua học viện học, ít nhất là từ 1 tuần đến 15 ngày. Bên cạnh đào tạo bồi dưỡng đối với những người mới được đề bạt hoặc đang giữ cương vị quản lý, lãnh đạo thì sẽ tính đến soạn thảo chương trình cho những cán bộ đang thuộc diện quy hoạch. Ở lớp này, sẽ không còn là bài học lý luận chung chung mà là hướng dẫn, trao đổi tình huống cụ thể như khi được phân công đến một nơi mất đoàn kết thì xử lý thế nào, nếu có tình huống phức tạp khiếu kiện đông người kéo dài thì giải quyết ra sao... Hy vọng với những chương trình đào tạo cụ thể như thế thì sẽ có tác dụng thiết thực hơn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra.

PGS-TS Lê Quốc Lý
Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Triển khai Nghị quyết Trung ương 4
“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

- Bài 1: Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU: Phải gương mẫu, chỉnh đốn trước hết ở lãnh đạo cấp cao

- Bài 2: Không thể có chuyện lỗi thì do tập thể, còn thành tích là của cá nhân

- Bài 3: Phải chống bằng được đặc quyền đặc lợi

- Bài 4: “Khoán 10” trong xây dựng Đảng

- Bài 5: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - Nỗi mừng, điều mong

- Bài 6: Tự phê bình, phê bình để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng

- Bài 7: Trách nhiệm và tính nêu gương của người đứng đầu

- Bài 8: TPHCM trẻ hóa cán bộ lãnh đạo, quản lý

Tin cùng chuyên mục