Nhà đất có giấy chứng nhận trước ngày 1-8: TPHCM kiến nghị giao dịch bình thường

Tại buổi góp ý Nghị định về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (tạm gọi là giấy đỏ mới) và mẫu giấy đỏ mới vào ngày 10-8 tại Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, nhiều quận - huyện kiến nghị đối với những hồ sơ giao dịch sau ngày 1-8, cho đăng bộ, cập nhật biến động ngay trên GCN cho đến khi có mẫu giấy đỏ mới.
Nhà đất có giấy chứng nhận trước ngày 1-8: TPHCM kiến nghị giao dịch bình thường

Tại buổi góp ý Nghị định về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (tạm gọi là giấy đỏ mới) và mẫu giấy đỏ mới vào ngày 10-8 tại Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, nhiều quận - huyện kiến nghị đối với những hồ sơ giao dịch sau ngày 1-8, cho đăng bộ, cập nhật biến động ngay trên GCN cho đến khi có mẫu giấy đỏ mới.

Thụ lý hồ sơ xin cấp giấy đỏ tại quận 3 TPHCM. Ảnh: HUY ANH

Thụ lý hồ sơ xin cấp giấy đỏ tại quận 3 TPHCM. Ảnh: HUY ANH

        Người dân không cần “nhận rồi để đó”

Đó là một trong những lý do mà một số quận - huyện đưa ra để kiến nghị nên ngưng nhận hồ sơ xin cấp GCN. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng TN-MT quận Tân Phú: “Người dân không cần công chức nhận hồ sơ nếu không biết khi nào được cấp GCN. Mà thời gian được cấp thì không ai trả lời được, bởi quy trình cấp GCN mới có nhiều thay đổi (50 ngày so với 30 ngày trước đây, trong khi đó hiện quận Tân Phú chỉ giải quyết hồ sơ cấp GCN cho người dân từ 10 đến 15 ngày - PV) và thực tế không chỉ đợi mẫu giấy mới, mà sau khi có nghị định hướng dẫn còn phải tập huấn, sửa phần mềm…”. “Khi đã có hướng dẫn và mẫu giấy mới thì nhận và xử lý hồ sơ theo quy trình mới ngay sẽ đỡ nhiêu khê hơn bắt người dân bổ sung hồ sơ” - bà Khuê nói thêm.

Cùng chung ý kiến trên, Phó Trưởng phòng TN-MT quận Bình Thạnh Hoàng Minh Nguyên cũng kiến nghị ngưng nhận hồ sơ cấp mới. Ông Nguyên cho rằng, hầu hết các quận - huyện đều thực hiện theo quy trình ISO, nếu cứ nhận hồ sơ rồi để đó thì sẽ phá vỡ quy trình.

Đại diện Phòng TN-MT quận 1 cho biết, hiện quận còn nhiều hồ sơ đã nhận trước ngày 1-8 đang thụ lý, theo quy định khoảng 15-8 phải trả hồ sơ cho người dân; vì thế kiến nghị vẫn cấp GCN theo quy định đối với những hồ sơ này. Với khoảng 200 hồ sơ xin cấp GCN nhận từ ngày 3-8 đến nay, quận sẽ có văn bản thông báo cho người dân, tuy nhiên đại diện này cũng băn khoăn không biết đơn xin cấp giấy đỏ mới có thay đổi hay không.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng TN-MT quận Gò Vấp cho biết, sau ngày 1-8 quận vẫn nhận hồ sơ cấp GCN, nhưng nếu nhận mà không cấp sẽ gây ách tắc. Chính vì thế, trong thời gian quá độ này, ông Tuấn kiến nghị vẫn cấp giấy hồng cho người dân cho đến khi nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành thì sẽ tiến hành cấp đổi. Đại diện quận 4 cũng cho rằng nên tiếp tục cấp giấy hồng mới nhưng ghi rõ là GCN chỉ có giá trị cho đến khi có giấy đỏ mới.

Giấy chứng nhận cấp sau 1-8-2009 không phải “giấy đỏ mới” hiện không được giao dịch. Ảnh: Huy Anh

Giấy chứng nhận cấp sau 1-8-2009 không phải “giấy đỏ mới” hiện không được giao dịch. Ảnh: Huy Anh

        Được cập nhật biến động trong khi chờ giấy đỏ mới?

Theo NĐ 90/CP, sau khi giao dịch đổi chủ sở hữu thì phải đổi GCN mang tên chủ sở hữu mới. Trong khi đó, sau ngày 1-8, chưa có mẫu giấy mới nên nếu không cấp đổi GCN thì việc giao dịch sẽ “đóng băng”. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê kiến nghị cập nhật biến động (đăng bộ) trên GCN và ghi rõ nội dung là đã chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng (ghi rõ số hợp đồng) và kèm theo hợp đồng chuyển nhượng là ổn.

“Luật không cấm thì cứ làm. Nếu chuyển nhượng và người được chuyển nhượng không được cấp GCN mới thì không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân mà còn ảnh hưởng chung đến thị trường bất động sản!”, bà Khuê phân tích thêm.

Ý kiến này cũng được nhiều quận - huyện đồng tình. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Nguyên băn khoăn việc cập nhật biến động thì chỉ được một lần, chứ nếu giao dịch mua bán thêm lần nữa thì sẽ khó vì người được cập nhật lần thứ nhất vẫn chưa được đứng tên chủ quyền, nên không thể chuyển nhượng cho người tiếp theo.

Đại diện quận 1 cho biết, việc mua bán nhà - đất tại quận 1 rất “nóng”, trung bình mỗi ngày quận nhận 40 - 50 hồ sơ đăng bộ. Việc đăng bộ trên địa bàn quận rất phức tạp vì người dân mua, bán từng ngày. Có khi hôm nay mua, ngày mai bán hoặc thế chấp. Do đó đại diện này lo lắng, nếu chỉ được cập nhật một lần trên giấy hồng thì cũng sẽ rất khó…

Với những ý kiến trên, đại diện Sở Tư pháp cho rằng về mặt pháp lý, UBND TP cần phải thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, đó là phải tiếp tục nhận hồ sơ và thụ lý nhưng chưa cấp GCN.

Việc đăng bộ trên các loại GCN cũ sẽ giải quyết được bức xúc cho người dân, nhưng điều đáng băn khoăn là ai sẽ công nhận việc cập nhật này, giá trị pháp lý ra sao? Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt cho biết, để nhanh chóng giải quyết tình hình này, ông sẽ gọi điện thoại cho lãnh đạo Bộ TN-MT để xin ý kiến việc đăng bộ trên giấy hồng nhằm đảm bảo quyền giao dịch cho người dân trong khi chờ giấy đỏ mới. Riêng việc góp ý của các quận - huyện là ngưng nhận hồ sơ, ông Kiệt không đồng tình.

“Theo quan điểm của sở, việc “muốn” là một chuyện, nhưng khi “làm” thì phải làm đúng luật và phải làm thế nào cho tốt. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhận hồ sơ thì không thể ngưng nhận hồ sơ được!” - ông Kiệt khẳng định.

Phát biểu tại buổi góp ý, Giám đốc Sở TN-MT TP Đào Anh Kiệt yêu cầu các quận - huyện nhanh chóng góp ý để trong hôm nay, ngày 11-8 gửi văn bản về cho sở để sở tổng hợp, trình UBND TP thông qua để gửi cho Bộ TN-MT chậm nhất vào ngày 12-8.

Trao đổi với PV Báo SGGP về trường hợp một số quận đã cấp GCN sau ngày 1-8-2009 như quận 8, Phú Nhuận, Gò Vấp… ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT cho biết sẽ kiến nghị thu hồi toàn bộ các GCN trên vì các loại GCN được cấp sau ngày 1-8-2009 không phải là giấy đỏ mới thì đều không có giá trị pháp lý.

HẠNH NHUNG

- Thông tin liên quan:

>> Cấp giấy chứng nhận nhà đất sau ngày 1-8-2009: Quận - huyện lúng túng

>> Hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ “một giấy”

Tin cùng chuyên mục