Xe buýt đi khó, đón trả khách… cũng khó

Chất lượng phục vụ hành khách của hệ thống xe buýt TPHCM cần phải được cải thiện và nâng chất nhiều hơn nữa nhưng hoạt động của hệ thống xe buýt đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong quá trình đưa đón hành khách. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đi thực tế cùng các tài xế xe buýt để tìm hiểu vấn đề này.
Xe buýt đi khó, đón trả khách… cũng khó

Chất lượng phục vụ hành khách của hệ thống xe buýt TPHCM cần phải được cải thiện và nâng chất nhiều hơn nữa nhưng hoạt động của hệ thống xe buýt đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong quá trình đưa đón hành khách. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đi thực tế cùng các tài xế xe buýt để tìm hiểu vấn đề này.

Đường chật

Do kết cấu đô thị của TPHCM còn nhiều bất cập, hầu hết các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp lớn… đều đặt trụ sở ở trung tâm thành phố nên nhiều người dân ở các quận, huyện ven vẫn phải vào các quận trong trung tâm thành phố làm việc. Cho nên, vào giờ cao điểm, những cửa ngõ của thành phố đều xảy ra tình trạng ùn ứ các phương tiện giao thông đi vào hướng nội ô. Cho dù được ưu tiên đi vào làn đường xe gắn máy, nhưng khi đến gần các giao lộ xe buýt vẫn không thể đi nhanh hơn bởi làn xe gắn máy 2 bánh… đặc kín.

Xe buýt bị dòng xe 2 bánh cản trở phía trước rất khó di chuyển (Ảnh: CAO MINH)

Hơn 6 giờ 30 sáng, vòng xoay An Sương bắt đầu đông xe do cửa ngõ Tây Bắc dồn về. Lúc này, làn đường dành riêng cho xe máy đã bắt đầu đông, ùn ứ nối đuôi nhau, lấn luôn vào làn đường ô tô. Chiếc xe buýt số 104 chạy tuyến Đại học Nông Lâm - Bến xe An Sương phải vất vả hòa chung với xe hai bánh. Dù chạy trên đường Trường Chinh với làn đường tách biệt dành riêng cho ô tô nhưng tài xế buộc phải chạy chậm, bám theo đoàn xe máy phía trước. Vào đường Cộng Hòa để có thể kịp lộ trình, xe buýt buộc phải tách làn ô tô tiếp tục đi vào làn đường xe máy. Đến trạm, mặc cho xe buýt bóp còi nhưng xe máy từ phía sau cố gắng vượt lên, tài xế phải khá vất vả để vào trạm đón, trả khách. Cứ thế, xe buýt nhích từng chút. Từ bến xe An Sương đến vòng xoay Lăng Cha Cả, xe buýt phải mất hơn 30 phút.

Đó chỉ là một trong số các trường hợp xe buýt không thể đúng lịch trình. Đứng ở trạm dừng xe buýt gần chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh, chúng tôi thấy chiếc xe buýt từ xa nhưng vẫn hơn 10 phút mới đến trạm do phải chờ lượng xe máy quá đông vây quanh, chưa kể còn xảy ra ùn ứ, xung đột giữa các dòng xe tại giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu do không có chốt đèn. Cách đó không xa, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh, xe buýt cũng phải len lỏi vào làn đường xe máy theo cả 2 hướng cầu Bình Triệu và hướng quận 1.

Thậm chí, hết giờ cao điểm, xe buýt cũng buộc phải chạy vào làn đường xe máy nhiều hơn do ô tô lưu thông nối đuôi nhau như đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Kiệm… Theo nhiều tài xế, chạy chung với xe gắn máy… là điều “không nhẹ nhàng thần kinh chút nào”.

Trạm dừng, nhà chờ bị lấn chiếm

Nhiều trạm dừng, nhà chờ xe buýt đang trở thành “cửa hàng tiện ích mini” do bị các gánh hàng rong lấn chiếm buôn bán. Nhiều người đi đường, dừng xe ngay trước trạm dừng để mua đồ làm xe buýt rất vất vả di chuyển vào trong đón khách do sợ gây tai nạn. Điển hình, nhà chờ trên đường Cộng Hòa, đoạn trước trung tâm thương mại Pico (quận Tân Bình); trạm dừng trước cổng Trường Đại học Sài Gòn trên đường An Dương Vương (quận 5); nhà chờ gần Trường Đại học Hutech quận Bình Thạnh; trạm dừng gần Co.opmart Lý Thường Kiệt quận 10… có rất nhiều hàng rong buôn bán xung quanh. Đã vậy, nhiều người còn đậu xe máy xung quanh trạm dừng, nhà chờ để mua đồ ăn thức uống từ hàng rong lấn chiếm trạm. Để đón xe buýt, hành khách phải đi bộ ra giữa đường, đứng trước những hàng rong để… vẫy tay gọi xe, rất nguy hiểm. Chiếc xe buýt muốn ghé sát lề cũng không được do các xe máy chiếm hết lòng đường trước trạm.

Không những thế, xe buýt luôn gặp phải tình trạng ô tô đậu lấn lòng đường sát trạm dừng, nhà chờ, gây khó khăn cho việc ra vào trạm đón khách. Ghi nhận tại nhà chờ trước Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Từ Dũ…, xe buýt phải đón khách giữa đường, chấp nhận làm cho giao thông ùn ứ phía sau bởi có quá nhiều taxi đậu xung quanh.

Tài xế xe buýt Nguyễn Văn Hơn, Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM bức xúc: “Rất hiếm có xe buýt đi đúng giờ. Hầu như tuyến xe buýt nào cũng có hơn 2/3 trạm dừng, nhà chờ bị hàng rong chiếm dụng buôn bán. Bên cạnh đó, nhiều taxi, xe ôm, ô tô dừng đậu không có ý thức khiến xe vào rất khó khăn. Vừa kẹt xe, vừa phải vất vả cho xe sát vỉa hè để đón khách, tốn rất nhiều thời gian. Nếu thuận tiện hơn trong việc di chuyển thì xe buýt có thể chạy nhanh hơn, rút ngắn thời gian và đúng giờ để nâng chất lượng phục vụ cho hành khách”.

Tình trạng trưng dụng trạm dừng, nhà chờ để buôn bán vừa nhếch nhác, vừa mất vệ sinh đã được Báo SGGP phản ánh rất nhiều lần song tình hình vẫn chưa được cải thiện. Chính quyền địa phương mở các đợt tuần tra xử lý vi phạm trật tự an toàn công trình giao thông (trạm dừng, nhà chờ) nhưng chỉ thu được kết quả trong thời gian ngắn.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có kế hoạch xây dựng đường ưu tiên cho xe buýt với hy vọng xử lý được các bất cập nêu trên. Đây là chủ trương đúng nhưng thiết nghĩ kế hoạch phải được triển khai nhanh hơn. Xe buýt phải được tạo điều kiện hoạt động tốt thì mới có điều kiện phục vụ tốt hành khách.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục