Vì sao hành khách đi xe buýt ngày càng giảm, hoạt động xe buýt còn nhiều bất cập, trợ giá xe buýt thời gian qua chưa hiệu quả? Sở Giao thông - Vận tải TPHCM có những giải pháp gì để đến năm 2020 đạt 1 triệu lượt khách/ngày? Đây là những câu hỏi Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ra tại buổi làm việc về quy hoạch và phát triển vận tải hành khách công cộng từ nay đến năm 2020.
Liệu xe buýt tại TPHCM có đạt 1 triệu lượt khách/ngày? (Ảnh minh họa). Ảnh: Cao Thăng
Báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải TPHCM cho biết, từ năm 2013 đến nay số lượng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm. Hiện nay, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt còn nhiều bất cập như: mạng lưới tuyến chưa hợp lý, dừng đỗ không đúng trạm, xe xuống cấp, năng lực quản lý còn nhiều hạn chế… Phương tiện xuống cấp, chất lượng dịch vụ giảm cùng với việc gia tăng mật độ giao thông, trong khi xe buýt chưa có làn đường riêng, khiến thời gian hành trình dài hơn nên không thu hút hành khách. Ngoài ra, việc chưa có chính sách hạn chế xe cá nhân, triển khai các bến bãi còn chậm, diện tích dành cho hoạt động xe buýt tại các bến xe liên tỉnh không đảm bảo nhu cầu đậu đón, trả khách; chưa có hệ thống VTHK khối lượng lớn như MRT, xe buýt nhanh BRT để hình thành mạng lưới vận tải liên thông nhằm thuận tiện kết nối... nên người dân chưa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển chính.
Một vấn đề khác, làm sao để tiền trợ giá cho xe buýt không trở thành gánh nặng cho ngân sách và không làm phát sinh tiêu cực? Ủy viên Thường trực HĐND TP Huỳnh Công Hùng cho rằng, VTHKCC cần làm sao thực hiện được sáu chữ “đúng giờ, tiện lợi, an toàn” là hành khách sẽ ủng hộ xe buýt.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách trợ giá ở các HTX, doanh nghiệp vận tải… chỗ nào còn bất cập, cần phải đánh giá lại và có hướng xử lý. Sở Giao thông - Vận tải cần đề xuất chính sách để khuyến khích nhà xe thay và đầu tư xe mới. Ngoài ra, nên xem lại hoạt động taxi, phải có bến bãi chứ không thể đậu tràn lan ngoài đường gây cản trở giao thông như hiện nay; làm sao tạo thói quen cho người dân đi bộ đến trạm xe buýt trong phạm vi bán kính 1km. Khẩn trương triển khai đưa vào sử dụng thẻ xe buýt thông minh để minh bạch trong việc trợ giá và khuyến khích người dân sử dụng. Việc trợ giá trực tiếp cho học sinh, sinh viên cần triển khai sớm.
Theo Sở Giao thông - Vận tải, thẻ đi xe buýt đã trình nghiên cứu khả thi và tiến hành đấu thầu, cuối năm nay triển khai thực hiện. Thẻ sẽ tích hợp cùng các hệ thống giao thông khác như metro, xe buýt nhanh… Về quy hoạch bến bãi xe buýt, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng, quy hoạch đã có lâu nên phải điều chỉnh, bến bãi hiện nay chỉ có 12,7% nên rất khó cho vấn đề tổ chức luồng tuyến, thời gian giãn cách… Điểm hạn chế nữa là hiện nay quản lý bằng hình thức thủ công, muốn điều hành tốt thì phải ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng chi phí lớn nên khó thực hiện. Hiện nay mới được bố trí mặt bằng trên đường Phạm Viết Chánh để đầu tư hệ thống công nghệ thông tin cho hệ thống xe buýt. Thời gian tới sẽ tái cấu trúc lại toàn bộ các HTX, doanh nghiệp vận tải xe buýt.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đề nghị các sở ngành liên quan khẩn trương thực hiện 5 giải pháp mà Sở Giao thông - Vận tải đề xuất. Xe buýt bị than phiền nhiều, vậy làm sao gia tăng tính cạnh tranh để chất lượng tốt hơn. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này bằng các chính sách ưu đãi cụ thể. Tái cấu trúc lại các HTX, doanh nghiệp theo hướng hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ. Cách thức trợ giá như thế nào cho tốt, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính rà soát lại tiền trợ giá, nếu làm không hiệu quả thì thay đổi ngay. Thẻ thông minh cần tích hợp nhiều chức năng chứ không chỉ để đi xe buýt.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá: Trợ giá xe buýt là cần thiết vì VTHKCC góp phần lớn giảm ùn tắc giao thông, Sở Giao thông - Vận tải cần xem xét lại hiệu quả của việc trợ giá và có những đề xuất cho HĐND để phát triển xe buýt. Cần giải quyết nhanh những bất cập về bến bãi, mạng lưới, luồng tuyến, đa dạng các loại xe và điều phối thật khoa học… “Mọi vấn đề này đều làm được hết nhưng chúng ta có làm hay không mà thôi. Đầu tư bến bãi cần có chính sách để xã hội hóa, miễn làm sao nhà đầu tư thấy có lợi là người ta làm, có như vậy mới mong đến năm 2020 đạt được 1 triệu lượt khách/ngày, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho TPHCM” - Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
QUỐC HÙNG