Xe buýt không thể có “đặc quyền”

Đã mấy ngày sau vụ xảy ra tai nạn làm một học sinh chết thảm dưới bánh xe buýt tại giao lộ Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào sáng 6-3, dư luận vẫn chưa nguôi ngoai. Mỗi khi đi ngang qua nơi đã xảy ra tai nạn, nhiều người vẫn nhắc về một cái chết thương tâm và bài học đau xót mà mọi người cần thuộc lòng mỗi khi đi đường.

Đã mấy ngày sau vụ xảy ra tai nạn làm một học sinh chết thảm dưới bánh xe buýt tại giao lộ Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào sáng 6-3, dư luận vẫn chưa nguôi ngoai. Mỗi khi đi ngang qua nơi đã xảy ra tai nạn, nhiều người vẫn nhắc về một cái chết thương tâm và bài học đau xót mà mọi người cần thuộc lòng mỗi khi đi đường.

Trong lúc chờ đón con trước cổng trường, nhiều phụ huynh vẫn nhắc đi nhắc lại về vụ tai nạn này, vừa chia sẻ, xót thương nạn nhân, vừa lên án thủ phạm gây ra cái chết. Đằng sau vụ tai nạn giao thông ấy là bao nhiêu điều tiếng về “hung thần đường phố” mà bây giờ mỗi khi ra đường, ai nấy đều phải cảnh giác. Đang có một tâm lý kinh hãi của người đi đường đối với một phương tiện giao thông công cộng: vợ nhắc chồng: “Đưa đón con, chạy xe nhớ coi chừng mấy xe buýt nghe anh!”; cha mẹ dặn dò con: “Thấy xe buýt thì tránh xa nghen con!”...

Có rất nhiều lý do khiến xe buýt gây ra tai nạn. Tài xế đổ lỗi do áp lực vòng quay tua xe, do lọt trong tứ bề xe 2 bánh vào giờ cao điểm. Ngành GTVT nói do không có làn đường dành riêng cho xe buýt. Nhưng có một điều không thể chối cãi: xe buýt vẫn chạy như “xe điên”, đó là một nguyên nhân chính khiến dễ xảy ra tai nạn. Chị hàng xóm của tôi hàng ngày đưa con đi học, rất bất bình: “Vẫn còn không ít xe buýt xài kèn hơi. Mỗi khi nghe xe buýt rú kèn phía sau lưng là tôi giật bắn người, có lần suýt té luôn”. Nhiều người đi xe máy phải khốn khổ vì nạn xe buýt xả khói đen ngay vào mặt. Dẫn đầu, phải nói đến các xe buýt Sonadezi chạy tuyến Biên Hòa - Chợ Lớn, thường phóng bạt mạng mỗi khi đèn tín hiệu giao thông chuyển từ xanh qua vàng và sau nó là một trời đen kịt khói. Xe buýt không chỉ ép ô tô mà ép cả xe 2 bánh đang rồng rắn lưu thông trong làn đường của mình, khiến nhiều người thót tim. Kiểu đón và thả khách giữa đường của xe buýt cũng khiến nhiều xe đang lưu thông không biết xoay trở ra sao…

“Tội” của xe buýt, kể ra không ít nhưng hiếm thấy CSGT thổi phạt xe buýt về những vi phạm an toàn giao thông. Một đội trưởng đội CSGT thừa nhận trên mặt báo rằng CSGT ngại phạt xe buýt vì đó là xe công cộng. Nhưng xe công cộng cũng không thể có “đặc quyền”. Thiết nghĩ, trước cái chết của các nạn nhân vì tai nạn giao thông do xe buýt gây ra, CSGT cũng phải tự thấy có phần trách nhiệm của mình trong đó.

Người dân đòi hỏi ngành CSGT phải thực thi trách nhiệm của mình một cách kiên quyết, không khoan nhượng với các tài xế xe buýt chạy ẩu, giành đường, lấn tuyến, xả khói đen gây ô nhiễm… để mọi người có thể an tâm khi tham gia giao thông. Sẽ cần nhiều cuộc bàn luận để tìm cách cho xe buýt trở nên thân thiện hơn, nhưng giải pháp trước mắt là phải mạnh tay xử phạt các trường hợp tài xế xe buýt vi phạm an toàn giao thông. Bởi lẽ mọi người tham gia giao thông trên đường đều phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ và không có “đặc quyền” cho xe buýt.

Ngành GTVT cần nghiêm túc nhận trách nhiệm về tình trạng có quá nhiều vụ tai nạn giao thông do xe buýt gây ra, và cam kết thực hiện các giải pháp khắc phục thật căn cơ để người dân có thể yên tâm ra đường mà không phải kinh hãi “hung thần xe buýt”.

TRẦN NGỌC

Tin cùng chuyên mục