Kể từ thời Bá tước Sivrac 1790 sáng chế ra chiếc xe đạp gỗ đầu tiên cũng đã hai trăm hai chục năm có lẻ. Chiếc xe đạp của ông ấy không lái được. Chỉ có thể chạy thẳng. Và cũng không đạp được. Muốn chạy không thể đạp xe mà phải đạp chân xuống đất. Thực ra nó chưa phải là phương tiện giao thông. Nó chỉ như một thứ đồ chơi cơ bắp. Trẻ em miền núi Cao Bằng bây giờ vẫn chơi loại xe này.
Xe đạp không thể ngờ số phận của nó thăng trầm biến thiên bền bỉ đến thế. Đầu thế kỷ XX, xe đạp đã đi hàng vạn cây số từ châu Âu đến Việt Nam. Những nhãn hiệu nổi tiếng Sterling, Mercier, Peugeot, Aviac, Follit… cũng lần lượt chiếm lĩnh thị trường Việt. Và thật ngạc nhiên, những chiếc xe đạp của Pháp này lại góp phần rất lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Dân công kháng chiến dùng xe đạp để thồ nhu yếu phẩm và vũ khí lên Điện Biên Phủ.
Năm 1960 ở Hà Nội có nhà máy xe đạp đầu tiên mang tên Thống Nhất. Đó là một nhà máy lúc đầu thuộc Bộ Công nghiệp nặng quản lý. Sau chuyển về Bộ Cơ khí luyện kim. Hai bộ lớn nhất của chính phủ quản lý nhà máy đủ thấy tầm quan trọng của chiếc xe đạp lúc ấy như thế nào. Xe đạp Thống Nhất được sản xuất ở số 10 Tràng Thi, xế cửa Thư viện quốc gia. Lũ trẻ con quanh đấy hay tìm đến nhặt những tấm thép (đề-xê) đã dập lấy hết chi tiết mang về làm chuồng gà. Nhà máy khá rộng so với một con phố hẹp. Tiền sảnh có bức tranh ghép kính lớn trên cao hình lục giác màu sắc rất đẹp. Phân xưởng ngoài cùng nhìn ra mặt phố hàn khung xe bằng mỏ hàn khí đá. Mùi rất kinh. Người lớn đi qua đấy phải bịt mũi rảo bước. Trẻ con không sợ. Chúng xin đất đèn đập vụn cho vào bình phun nước là quần áo đốt lên soi ve buổi tối. Đèn đất không sợ gió.
Xe đạp luôn hiện về trong giấc mơ của những người bình thường. Phải là cán bộ cỡ nào đó mới được phân phối một chiếc. Ở thành phố các bậc phụ huynh đi làm bằng xe đạp Thống Nhất suốt cả tuần. Chủ nhật nghỉ dành cho trẻ con vinh dự được lau xe đạp. Dắt xe ra vỉa hè lau từng chiếc nan hoa và đôi vành mạ kền hoa dâu sáng bóng. Mặt mày dĩ nhiên vênh váo với trẻ con cùng phố. Thỉnh thoảng cũng trèo lên thử vài vòng trên vỉa hè. Trẻ con thấp bé phải luồn chân qua gióng xe đạp nam mà đạp. Phanh gấp dập “bi” đau điếng. Ở nông thôn xe đạp là một tài sản lớn. Cần phải chăm chút nó như một tác phẩm nghệ thuật. Nhét quả bóng cao su Sao Vàng lót dưới yên lò xo cho lâu mỏi. Chắn bùn luôn phải lấy bột oxít đồng đánh sáng choang. Lắp thêm miếng chắn cao su cắt răng cưa ốp vào đuôi. Đèn trước tết nơ như đại biểu đi dự hội nghị. Có người còn trang trí cả bóng bàn, cờ đuôi nheo gắn trên cán lò xo phấp phới. Để xe ngoài đường bao giờ cũng vặn nắp chuông và bánh xe chuông ngoe ngoét dầu mỡ ra đút túi quần mang theo sợ mất.
Đàn ông ở cả nông thôn và thành phố đều có thể tự chữa những hỏng hóc thông thường. Vá săm, thay lốp, tra dầu các trục, thay má phanh. Nhà nào cũng có chiếc bơm và bộ đồ vá săm. Hàng chữa xe đạp mọc lên nhan nhản khắp nông thôn thành thị. Họ có thể chữa toàn bộ chiếc xe từ cân vành, lộn xích, đắp đĩa, uốn ghi đông xe cuốc sang thành xe thường. Hạ khung xe nam thành xe nữ. Thu nhỏ cỡ vành từ 680 thành 650. Chỉ riêng việc sản xuất hoàn chỉnh một chiếc khung xe đạp là bị cấm. Khung xe đạp phải được đóng số chìm do nhà nước quản lý để đi đăng ký. Mỗi xe có biển số riêng biệt như xe máy bây giờ.
Nhà máy xe đạp sản xuất cả ba ca mà vẫn không đủ cho người dân. Khoảng đầu những năm 70 nhà nước bắt đầu phải nhập khẩu thêm xe đạp từ nước ngoài. Xe Phượng Hoàng của Trung Quốc, xe Favorit của Tiệp, xe Sputnic của Nga, xe Diamant của Đức. Những xe đạp sang trọng này phân phối cho cán bộ cấp cao hơn. Họ không dùng thì bán lại cho các “đại gia lốp”, “đại gia ép nhựa”, đại gia qui gai xốp”. Những thành phần kinh tế không nằm trong định hướng.
Khi miền Nam giải phóng, bộ đội giải ngũ đeo sau ba lô mang ra miền Bắc khá nhiều khung xe đạp. Lúc ấy mới bỏ đăng ký xe và tạm có đủ xe đạp cho mọi người. Khung xe đạp Sài Gòn cuốn bằng tôn cán ra từ thùng phuy đựng xăng dầu cũ. Mỏng và mềm. Khi đi trên đường thường xuyên bị gục gãy bất ngờ. Ngành răng hàm mặt ở Hà Nội vất vả và phát tài nhất trong những năm vừa giải phóng. Thí sinh thi vào trường y thích chọn ngành nha khoa.
Trải qua cơn lốc nhập khẩu xe máy bãi và cơn lốc lắp ráp xe máy trong nước, phong cảnh ngành công nghiệp xe đạp mũi nhọn có phần xơ xác tiêu điều. Và bây giờ là cạnh tranh khốc liệt với nền sản xuất xe đạp của láng giềng. Rất lâu rồi không nhìn thấy xe đạp Thống Nhất nữa. Người thành phố bây giờ cũng bắt đầu quay lại với xe đạp. Nhưng đó là những chiếc xe đạp còn đắt tiền hơn cả xe máy. Nó đảm bảo thẩm mỹ không thể thêm bớt với những người quá yêu xe đạp. Nó cũng dùng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại. Phụ tùng đèn đóm rườm rà rắc rối gấp nhiều lần chiếc xe đạp xưa được gắn sẵn trên xe cùng với những tính năng hoàn hảo nhất. Đàn ông đàn bà trung tuổi mặc đồ thể thao chuyên dụng sặc sỡ đội mũ bảo hiểm đuôi nhọn dắt xe ra đường từ lúc còn tối trời. Đèn LED gắn trên xe phóng luồng sáng trắng đan cài đôi lứa. Ríu rít như ngày mới yêu nhau.
Một lần nữa xe đạp lại trở về trong giấc mơ của những người bình thường…
ĐỖ PHẤN