Xem cải lương ở kênh nào?

Tụi nhỏ cắm cúi vào điện thoại, máy tính, người lớn trong nhà lại thích truyền hình vì có tuổi, mắt mũi lem nhem, xem tivi màn hình lớn mới thấy rõ chứ điện thoại hay máy tính bảng họ không thích. Dì tôi ngồi coi cải lương cùng mấy cô hàng xóm: “Phải tuồng Bên cầu dệt lụa không, hình như tuồng hồi xưa hả?”
Một cảnh trong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga
Một cảnh trong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga

 “Chứ bây giờ trên đài, có thấy kênh nào hát cải lương đâu mà mới, cái này cũng nhờ tụi nhỏ lên mạng mở giùm, chứ tui cũng không rành, thôi kệ có gì coi nấy đi”.

Không ít lần dì tôi, mẹ tôi cùng vài người hàng xóm luyến tiếc khi cải lương trên sóng truyền hình không có nhiều, hoặc có thì những tuồng đã quá cũ gần như bà đã thuộc nằm lòng. “Coi đỡ vậy thôi, chứ mấy nghệ sĩ này giờ họ phải ngang tuổi mẹ hoặc hơn, tuồng này cách đây cũng cỡ 20 năm, giờ họ già hết chứ không có trẻ như vầy đâu”, mẹ tôi kể.

Dễ tìm thấy nhất là phim, phim truyền hình Việt lẫn nước ngoài, hết chiếu khung giờ vàng ở kênh này thì phát lại khung giờ trong ngày ở kênh khác. Thậm chí có bộ phim đổi tựa và chiếu đi chiếu lại trên vài kênh, chỉ cần dòm phân đoạn nhỏ, khán giả biết ngay nội dung phim thế nào, kết thúc ra sao, diễn viên chính tên gì…

Và đặc biệt là sự nở rộ của game show truyền hình hay các chương trình về hẹn hò, đời sống vợ chồng, chuyện mẹ chồng - nàng dâu… ngày càng thu hút khán giả. Tại YouTube, mỗi tập phát sóng, các chương trình này đều có lượt xem từ vài chục ngàn đến triệu view, chưa kể ở những tập có nội dung gây tranh cãi thì lượng người xem, chia sẻ và bình luận tăng gấp vài lần. Đó cũng là một trong nhiều lý do mà cải lương lép vế ở sóng truyền hình, bởi bài toán kinh tế để duy trì các chương trình buộc nhà đài phải ưu tiên những chương trình có lượng khán giả xem đông đảo.

Cải lương xã hội, cải lương tuồng cổ từng một thời “làm mưa làm gió” khắp các kênh truyền hình, thu hút đông đảo khán giả từ những người có tuổi đến khán giả trẻ. Nhiều năm trước, sau giờ học bài, tôi có nhiệm vụ theo dõi lịch phát sóng các kênh truyền hình và ghi lại khung giờ phát cải lương rồi dán giấy thông báo gần tivi để cả nhà canh theo dõi. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều nhà khác trong xóm, cải lương từng là món giải trí được yêu thích và ưu tiên hàng đầu bên cạnh phim ảnh, hài kịch hay game show.

Tuy nhiên, thị hiếu của khán giả cũng dần thay đổi khi phim ảnh, game show truyền hình, truyền hình thực tế thu hút, lôi cuốn người xem bởi nội dung mới mẻ, dễ xem, dễ cười hơn. Những vở cải lương không có quá nhiều đột phá về nội dung, diễn viên, thậm chí là khán giả đã thuộc làu từng trích đoạn, câu hát thì khó mà trụ vững trong lòng giới mộ điệu. 

Vầng trăng cổ nhạc là chương trình đã quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả. Khi tôi còn là học sinh cấp 1, cả xóm gần như trông chờ, háo hức tới ngày phát sóng, có khi nhà này còn í ới qua để thông báo cho hàng xóm biết ngày nào, giờ nào canh mở tivi cho kịp. Nhưng đã mấy năm, gần như không còn ai để ý Vầng trăng cổ nhạc chừng nào phát sóng, hay có nghệ sĩ nào tham gia… Bởi họ có quá nhiều lựa chọn và những lựa chọn đó đa phần nhiều màu sắc, hấp dẫn hơn.

Thị hiếu khán giả mỗi thời mỗi khác, tuy nhiên cải lương cũng cần những bước đột phá, thay đổi, làm mới mình trong lòng người mộ điệu để giữ chân khán giả lâu dài cũng như tiếp cận khán giả trẻ. Từ đó mới có thể đủ “sức đề kháng” để cạnh tranh với những chương trình khác trên sóng truyền hình. Mặc dù sự bùng nổ của mạng xã hội, các kênh vlog đang chiếm ưu thế, nhưng truyền hình vẫn có một lượng khán giả nhất định và cải lương để không mai một cũng cần những khung giờ phát sóng cố định để khán giả không lãng quên.

Tin cùng chuyên mục