(SGGPO).- Sáng nay, 8-11, sau khi thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015.
Về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ, theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 là 225.000 tỷ đồng, tương ứng với 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Chính phủ cũng khẳng định không bổ sung mới các công trình, dự án; thực hiện rà soát cắt, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các công trình, dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015.
Thảo luận về vấn đề này, hầu hết các đại biểu quốc hội cho rằng việc lựa chọn các dự án, việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ vừa qua chưa căn cứ vào tiêu chí cụ thể, chưa theo quy hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực nên hiệu quả đầu tư chưa cao, còn lãng phí, thất thoát nhưng chưa có cơ chế xác định trách nhiệm.
Do vậy, các đại biểu quốc hội đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn từ 2003 đến nay, nhất là trong việc để số lượng, công trình được phê duyệt, tổng mức đầu tư tăng quá cao, vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng khâu quản lý trái phiếu chính phủ hiện nay còn lỏng lẻo, gây lãng phí lớn, dẫn đến gia tăng nợ công. Đầu tư trái phiếu Chính phủ thời gian qua còn tràn lan, dễ dãi...
Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) cho rằng việc rà soát, cắt giảm, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án sử dụng vốn cần chặt chẽ, không cào bằng. Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) đề nghị trái phiếu Chính phủ cần ưu tiên cho các dự án cấp bách, trọng điểm, tập trung cho kết cấu hạ tầng. “Giai đoạn gian tới, phải xác định tiêu chí của dự án. Việc giãn, cắt.. phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh không bị lãng phí kép, vừa dàn trải, vừa cắt giảm không phù hợp”, đại biểu Khoa đề nghị. ĐB Mai Xuân Hùng (Hậu Giang) đề nghị tới đây phải có đủ vốn mới khởi công công trình, tránh tình trạng các dự án trái phiếu Chính phủ chậm trễ.
Hầu hết các ý kiến đề nghị phải đưa vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách TƯ hàng năm để dễ bề giám sát, quản lý. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị vốn trái phiếu Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng, ưu tiên cho giao thông, thủy lợi, y tế giáo dục. Tuy nhiên, cũng cần chỉ rõ những dự án cấp bách trong vài năm tới để phát hành trái phiếu Chính phủ để triển khai hiệu quả, tránh lãng phí như thời gian qua.
Về chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015, Chính phủ đề ra 16 chương trình trong giai đoạn 2011-2015. Tổng mức kinh phí từ ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này tối đa là 105.392 tỷ đồng trên tổng mức vốn đầu tư là 276.372 tỷ đồng, chưa kể chương trình 135 và 30A đã được ngân sách trung ương bố trí năm 2011 là 4.110 tỷ đồng.
Thảo luận về vấn đề này, hầu hết các ý kiến cho rằng, kết quả đạt được của nhiều chương trình chưa tương xứng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác. Một số chương trình chưa hiệu quả, còn nhiều trùng lắp… Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều tồn tại. Chính phủ cần rà soát các chương trình quốc gia, chỉ rõ những hạn chế, xử lý các sai phạm.
“Nhiều nội dung chồng chéo, phân tán, không lồng ghép dược với nhau trong quá trình thực hiện. Mục tiêu chương trình thì lớn nhưng năng lực thực hiện còn kém”, đại biểu Út nói.
Nhiều đại biểu tuy đồng tình với các chương trình trong giai đoạn tới nhưng vẫn cho rằng còn nhiều trùng lắp, cần ghép một số chương trình lại như chương trình nước sạch ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới: ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS và ma túy. Chỉ còn lại khoảng 10-12 chương trình thay vì 16 chương trình như Chính phủ báo cáo.
Ngoài ra, hiện nay quá nhiều bộ ngành quản lý nên không tránh khỏi trùng lắp, chồng chéo, vì vậy nên thành lập một cơ quan quản lý hoặc văn phòng điều phối thực hiện các chương trình quốc gia do Bộ Kế hoạch-Đầu tư chủ trì. Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) đề nghị cần làm rõ khả năng nguồn vốn thực hiện các chương trình.
Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị cần lồng ghép các chương trình liên quan đến nông thôn vào chương trình xây dựng nông thôn mới vì đó là chương trình có các mục tiêu bao trùm cả về xóa đói giảm nghèo, nước sạch, việc làm. Khi triển khai chương trình lớn này, đại biểu Trần Đức Long (Đắk Nông) đề nghị giải quyết cấp bách việc giao thông nông thôn.
“Mỗi năm nên dành 20.000 tỷ đồng thì trong vòng 5 năm, với khoảng 100.000 tỷ đồng trong số vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chúng ta sẽ giải quyết được hạ tầng giao thông nông thôn”, đại biểu Long đề xuất.
LÂM NGUYÊN