Diễn đàn: Giải pháp chống kẹt xe

Xem xét đồng bộ các yếu tố tác động

Để giải quyết tận gốc nạn kẹt xe tại TPHCM trong bối cảnh hiện nay, chính quyền TP cần có đề án “Đánh giá sức chứa giao thông vận tải hiện tại và đề xuất sức chứa hợp lý cho từng giai đoạn” dựa trên quan điểm phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường. Từ đó tham mưu cho các cấp lãnh đạo có những quyết sách đúng đắn cho từng yếu tố tham gia giao thông:
Xem xét đồng bộ các yếu tố tác động

Để giải quyết tận gốc nạn kẹt xe tại TPHCM trong bối cảnh hiện nay, chính quyền TP cần có đề án “Đánh giá sức chứa giao thông vận tải hiện tại và đề xuất sức chứa hợp lý cho từng giai đoạn” dựa trên quan điểm phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường. Từ đó tham mưu cho các cấp lãnh đạo có những quyết sách đúng đắn cho từng yếu tố tham gia giao thông:
 
– Yếu tố con người: Ý thức dân chúng ở mức độ nào trong khu vực; tăng cường giáo dục giao thông trong nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng; dân số quá tải ở mức độ nào, vùng nào, khống chế nhập cư hay giãn dân, bố trí lại các cơ sở sản xuất, xây dựng khu dân cư, đô thị vệ tinh…

– Yếu tố phương tiện: Có cương quyết giảm phương tiện cá nhân không và đưa ra cách giảm thuyết phục dân chúng; cương quyết bỏ các loại phương tiện cũ kỹ, lạc hậu; tổ chức cho các phương tiện lưu thông như thế nào; chỗ nào chạy hỗn hợp, chỗ nào phân luồng, một chiều, hai chiều; từng bước đưa các phương tiện hiện đại, lịch sự, văn minh, vận chuyển khối lượng lớn vào vận hành khai thác… Phương tiện hiện đại, tiện nghi, sạch đẹp sẽ là thông điệp không lời đến cộng đồng, sẽ là một kênh truyền tải ý thức cộng đồng miễn phí hữu hiệu nhất.

Ô tô cá nhân là một trong những phương tiện gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Thanh Tâm
Ô tô cá nhân là một trong những phương tiện gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Thanh Tâm

– Yếu tố cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Hiện nay, TPHCM chỉ có mạng lưới cầu - đường bộ trên mặt đất và một số ít các giao cắt khác mức; diện tích dành cho giao thông là quá nhỏ (kể cả giao thông tĩnh) khi mà dân cư đổ dồn về đây ngày một tăng, lượng phương tiện cá nhân tăng chóng mặt (nhất là xe máy) với hệ số sử dụng chỗ ngồi rất thấp (hầu hết 1 người/xe máy, 2 - 3 người/xe hơi). Còn khoảng 10 năm nữa TPHCM mới có 1 - 2 tuyến metro vận tải khối lượng lớn mà cũng chỉ đi ngầm ở địa phận trung tâm, còn lại vẫn đi nổi trên mặt đất.

Còn đường trên cao mới nghiên cứu một tuyến dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhưng kinh phí xây dựng rất lớn. Trên mặt đất sẽ làm gì? Có nên mở rộng đường nội ô hay không, khi tổng kinh phí đền bù khổng lồ và tài sản của dân bị đập bỏ mà hiệu quả lại rất kém, thậm chí đi ngược lại mong muốn của cộng đồng; đã đến lúc cần bố trí gấp mạng lưới bến đỗ xe tại vòng ngoài trên các hướng chính trước khi đi vào trung tâm nội ô thành phố; tăng cường bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, siêu thị, công sở, trường học, chỗ tập trung đông dân cư.

Đối với mạng lưới đường nội ô không nên mở rộng mà tập trung chỉnh trang đô thị, đầu tư đồng bộ một lần và lâu dài (công trình ngầm, mặt đường, vỉa hè, cây xanh, chỗ lên xuống…) trên từng tuyến cụ thể (thà làm đồng bộ tốt một tuyến còn hơn làm dàn trải)…

Th.S NGUYỄN NHƯ TRIỂN
(PGĐ TTNC kinh tế miền Nam Viện Chiến lược phát triển - Bộ KH-ĐT)


Tình trạng khẩn cấp cần giải quyết

Tôi rất đồng tình với ý kiến bức xúc đại diện cho đông đảo cử tri của đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) khi nói về tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông ngang với tiêu chí tình trạng khẩn cấp. Có thể nào chấp nhận thực tế mỗi năm TNGT cướp đi 11.000 mạng sống và gây thương tích cho hàng chục ngàn người khác. Làm sao người dân ở các đô thị lớn có thể sống chung với kẹt xe, ùn tắc giao thông hết năm này đến năm khác?

Không thể tính hết hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng từ bóng đen TNGT cũng như căn bệnh ùn tắc giao thông đang diễn ra ngày một trầm trọng, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống nói chung. Đúng như nhận định của đại biểu Lê Thị Nga, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tồi tệ về bức tranh giao thông ở Việt Nam là do công tác quản lý nhà nước về giao thông ở các cấp yếu kém, kèm theo các giải pháp thiếu kiên quyết, hành động nửa vời, “đầu voi đuôi chuột”, thậm chí tiêu cực…

Có thể nói luật không thiếu, các quy định có thừa thế nhưng, việc thực thi chậm trễ thiếu trách nhiệm và không ai bị kỷ luật vì để xảy ra TNGT và ùn tắc giao thông kéo dài.
 
Đã đến lúc chúng ta phải đưa ra quyết sách phù hợp, sáng suốt để giải bài toán giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông tương xứng với tốc độ phát triển nhanh phương tiện vận tải, phương tiện xe cá nhân và nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng. Nếu không làm mạnh mẽ, quyết liệt và chọn ra giải pháp đúng vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển bền vững thì ùn tắc giao thông và nỗi đau TNGT vẫn chưa có lối ra.

Như thế, nếu còn những quan ngại, đắn đo trong việc tìm một giải pháp làm hài lòng tất cả các đối tượng trong xã hội thì chúng ta vẫn tiếp tục bế tắc với bài toán nêu trên.

HÀ ANH

Tin cùng chuyên mục