Xem xét dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn

Chiều 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn (KTTV).

(SGGPO).- Chiều 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn (KTTV).

Dự thảo Luật gồm 11 Chương, 61 Điều đã quy định về các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin - dữ liệu, phục vụ, dịch vụ KTTV; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết. Đồng thời Dự thảo Luật cũng đã quy định quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTTV.

Theo cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nội dung của dự thảo Luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, nội dung của Luật có liên quan đến một số công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và nhiều luật khác. Vì vậy, cần rà soát, các nội dung của dự thảo Luật liên quan đến các công ước, điều ước quốc tế và các luật khác để bảo đảm phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về những nội dung xã hội hóa trong hoạt động KTTV, cơ quan thẩm tra đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể và rõ hơn nữa những nội dung này để bảo đảm tính khả thi của Luật, phát huy được mọi nguồn lực trong nước cũng như quốc tế góp phần hiện đại hóa, bảo đảm tính thống nhất, chính xác, kịp thời cho hoạt động KTTV, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng. Đây cũng chính là vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc ủng hộ việc cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn nhưng lưu ý “khoanh vùng” rõ những việc được làm.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại chỉ ra rằng, theo dự thảo luật này thì dự báo khí tượng thủy văn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; song nội dung này không thấy có trong Luật Đầu tư. Ông Lý kiến nghị: “Cần phải nghiên cứu, chỉnh lý để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc giải thích thêm: “Việc quản lý dữ liệu, công bố thông tin sẽ do Nhà nước kiểm soát”. Việc tác động đến thời tiết (như ngăn mưa hoặc tạo mưa nhân tạo) hiện chưa khả thi ở Việt Nam nhưng cũng đã được tính đến và quy định trong dự thảo – vị Thứ trưởng cho biết. 

Góp ý cho dự Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi trực diện: “Luật ra đời có nâng cao được chất lượng dự báo thời tiết, dự báo thiên tai hay không? Điều kiện nào đảm bảo nâng cao chất lượng dự báo, xóa bỏ tình trạng “Gia Cát Dự”?

Trả lời Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Phan Xuân Dũng cho rằng, có nhiều yếu tố quyết định chất lượng dự báo, trong đó có hành lang pháp lý. Ông Dũng tin rằng một khi được thông qua và thực thi, Luật này sẽ giúp tạo ra chuyển biến rõ nét trong công tác dự báo trong vòng 5-10 năm tới. Cũng liên quan đến chất lượng công tác dự báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét: “Dự thảo Luật mới đề cập cụ thể dến trách nhiệm làm công tác dự báo mà chưa nói rõ về trách nhiệm phải chịu khi dự báo sai, dự báo không kịp thời”.

Đặc biệt, ông Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh vai trò phối hợp giữa cơ quan khí tượng với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin dự báo chính xác, kịp thời đến các tổ chức và người dân.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục