Xem xét hiệu quả cụm công nghiệp

Theo chân Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghệ cao TPHCM, 17 doanh nghiệp (DN) thuộc hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã đến thành phố để tìm kiếm quỹ đất đầu tư. Điều đáng nói là sự bất cập trong quản lý quỹ đất đang khiến TPHCM không tận dụng được cơ hội đón làn sóng đầu tư này.
Xem xét hiệu quả cụm công nghiệp

Theo chân Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghệ cao TPHCM, 17 doanh nghiệp (DN) thuộc hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã đến thành phố để tìm kiếm quỹ đất đầu tư. Điều đáng nói là sự bất cập trong quản lý quỹ đất đang khiến TPHCM không tận dụng được cơ hội đón làn sóng đầu tư này.

Thủ tục rối rắm

Đại diện đơn vị tư vấn đầu tư cho DN Hàn Quốc cho biết, tổng diện tích mà 17 DN Hàn Quốc cần chỉ khoảng 50ha. Do đó, hướng lựa chọn cụm công nghiệp là rất phù hợp với nhu cầu. Đoàn DN Hàn Quốc đã tham quan cụm công nghiệp Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Khu vực này có khoảng cách nằm trong phạm vi bán kính 50km tính từ tâm Khu công nghệ cao, lại linh động trong diện tích đất. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về thủ tục, quy trình đăng ký đầu tư tại đây thì hầu hết các DN đều… rút lui!

Giải thích vấn đề này, ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công thương TP, cho biết, hiện việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa được chặt chẽ và chủ động, nên trình tự thủ tục đầu tư vào cụm công nghiệp phải qua nhiều cơ quan khác nhau, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài. Hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và hạ tầng xã hội bao gồm nhà ở cho công nhân, các công trình phục vụ công cộng khác chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn các cụm công nghiệp có xen cài dân cư nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tình hình an ninh, vệ sinh, môi trường lao động không thể xây dựng đồng bộ. Đây là những yếu tố khiến DN nước ngoài e ngại khi đầu tư.

Cụm công nghiệp Bình Đăng chỉ có một số doanh nghiệp đầu tư dù đất còn trống Ảnh: CAO THĂNG

Theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TPHCM, hiện đang có hai xu hướng lựa chọn quỹ đất của các nhà đầu tư nước ngoài. Một là với những ngành cần diện tích đất lớn, họ muốn đầu tư tại các khu công nghiệp vệ tinh có bán kính cách TPHCM khoảng 50km như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh. Riêng với những DN công nghệ cao lại có nhu cầu diện tích đất nhỏ hơn, nên thường lựa chọn cụm công nghiệp để đầu tư. Đây vốn là lợi thế thu hút đầu tư của TPHCM, nhưng với cách quản lý rối rắm như hiện nay, e rằng thành phố đang đánh mất cơ hội thu hút DN đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Hiệu quả khai thác thấp

TPHCM hiện có 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500ha. Nhưng chỉ có 3 cụm công nghiệp đã xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 285ha và thu hút được 166 doanh nghiệp vào đầu tư, lấp đầy hơn 80% diện tích. Những cụm công nghiệp còn lại chưa được đầu tư hạ tầng hoàn thiện nên khó thu hút DN đầu tư, ngoại trừ những DN đã tồn tại từ trước khi hình thành cụm công nghiệp. Điều đáng nói là, ngay các DN này cũng đang xin chuyển đổi công năng sử dụng đất. Đơn cử như trường hợp Công ty cổ phần Kinh Đô, Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Như Ngọc, Công ty Muối miền Nam, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng An Hòa… đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề xuất chuyển công năng sử dụng đất trong cụm công nghiệp thành khu dân cư, trung tâm thương mại.

Ngay chính quyền địa phương quản lý các cụm công nghiệp cũng nhận thấy sự bất cập và kém hiệu quả trong việc sử dụng quỹ đất nên đã đồng loạt đề xuất UBND TP chuyển công năng cụm công nghiệp sang khu dân cư. Nguyên nhân đều do không có khả năng thu hút đơn vị đầu tư hạ tầng. Quỹ đất cụm công nghiệp đang bị lãng phí vì khai thác không hiệu quả. Các DN đang hoạt động trong cụm công nghiệp không có điều kiện mở rộng nhà xưởng vì bị nhà dân vây quanh và chính quyền địa phương không có khả năng cung ứng thêm quỹ đất…

TPHCM đang rà soát, sắp xếp lại các cụm công nghiệp, bao gồm cả việc loại bỏ những chủ đầu tư cứ “ôm” đất nhưng chậm triển khai hạ tầng. Trong bối cảnh hội nhập và nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam, nếu thành phố không nhanh chóng giải quyết các tồn đọng quá lâu về phát triển các cụm công nghiệp, e rằng sẽ đánh mất cơ hội thu hút đầu tư, khi quỹ đất đáng kể từ các cụm công nghiệp còn bỏ trống.

Mạnh tay loại bỏ nhà đầu tư hạ tầng kém năng lực

Giải quyết những vướng mắc của mô hình cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vào đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang đã chỉ đạo việc quy hoạch, sắp xếp lại cụm công nghiệp. Theo đó, sáp nhập các cụm công nghiệp phù hợp để chuyển đổi thành khu công nghiệp và giao về Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM (HEPZA). Các cụm công nghiệp đã có DN hoạt động nhưng không kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng, sẽ chuyển về Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp để thực hiện chức năng quản lý trong giai đoạn trước mắt. Về lâu dài, nếu các cụm công nghiệp này không còn phù hợp với định hướng phát triển của các quận, huyện thì đề xuất chuyển đổi chức năng.

Đối với các chủ đầu tư đã được giao đất nhưng kéo dài thời gian chưa triển khai đầu tư hạ tầng thì sẽ xem xét thu hồi quyết định giao đất. Song song đó, thành phố đẩy nhanh việc xây dựng chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thu hồi đất dễ dàng nhưng vẫn phù hợp quyền lợi của người dân.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục