Xét tuyển ĐH, CĐ 2017: Sử dụng dữ liệu chung, hạn chế thí sinh ảo

Năm nay, Bộ GD-ĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung nên trường nào không nắm kỹ quy trình và lịch xét tuyển sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ thống. 

Sáng nay 12-6, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM), Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 cho các trường từ Quảng Bình trở vào.

PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm nay sử dụng cơ sở dữ liệu chung nên trường nào không nắm kỹ quy trình và lịch xét tuyển sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ thống. Chỉ cần có trường không gửi dữ liệu lên hệ thống thì kết quả lọc thí sinh ảo cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT thành lập 2 nhóm lọc thí sinh ảo. Nhóm trường phía Bắc có 52 trường và nhóm trường phía Nam có 72 trường. Kết quả tập huấn tại phía Bắc vừa thực hiện xong, có trường sau khi chạy lọc ảo thì kết quả vượt chỉ tiêu lên đến 200%.

Xét tuyển ĐH, CĐ 2017: Sử dụng dữ liệu chung, hạn chế thí sinh ảo ảnh 1PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho rằng việc xác định tỷ lệ thí sinh ảo rất khó khăn. Ảnh: Thanh Hùng
Năm nay, Bộ tập huấn chạy trên dữ liệu thật (số nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường) với tổng cộng 660.000 nguyện vọng và điểm số là kết quả giả định. Quá trình lọc ảo sẽ thực hiện 3 lần sau khi các trường nhập các dữ liệu về Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, phía Viettel sẽ mở phần mềm xét tuyển từ nay đến ngày 20-6 để các trường làm quen.

PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng lưu ý: Năm nay vấn để khó khăn nhất là xác định tỷ lệ ảo. Do đó, để lọc ảo được thực hiện chính xác, các trường cần phải cung cấp đầy đủ các dữ liệu về Bộ GD-ĐT.

Đối với thí sinh tuyển thẳng, trúng tuyển theo đề án tuyển sinh riêng và nhập học vào trường thì các trường phải đưa lên dữ liệu chung để Bộ khóa dữ liệu của những thí sinh này, tránh tham gia xét tuyển lần nữa.

Cũng theo ông Nghĩa, những trường tham gia nhóm xét tuyển chung thì sẽ loại trừ được ảo rất nhiều. Còn những trường không tham gia nhóm xét tuyển sẽ khó khăn trong việc tính thí sinh ảo.

Về phần xét tuyển, PGS-TS Trần Anh Tuấn cho rằng, từ ngày 15 đến 23-7, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng bằng hai phương thức: phương thức trực tuyến chỉ điều chỉnh nguyện vọng; phương thức nộp trực tiếp tại trường được tăng thêm nguyện vọng và phải đóng lệ phí 30.000 đồng/ nguyện vọng.

Những thí sinh trúng tuyển, sau khi nộp giấy chứng nhận kết quả xác nhận nhập học thì sẽ bị khóa dữ liệu và không thể tham gia xét tuyển ở trường khác.

Trong thời gian từ ngày 23 đến 25-7, các điểm thu nhận hồ sơ phải hoàn thành, cập nhật thông tin và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh về Bộ. Nếu không thực hiện đúng quy định thì sẽ ảnh hưởng đến quy trình xét tuyển chung của hệ thống.

Tin cùng chuyên mục