Đọc bài viết Tuyển sinh lớp 10 – “Né” trường tốp trên (Báo SGGP số ra ngày 20-5), những người trong cuộc như học sinh (HS), phụ huynh (PH) đều cảm thấy áp lực thi cử đè nặng hơn. Cuộc đua đầy căng thẳng diễn ra từ khi con bước vào lớp 9 nên mặc dù đã được nhà trường, trong đó trực tiếp là thầy cô chủ nhiệm, tư vấn lựa chọn nguyện vọng 1, 2, 3 sao cho phù hợp với sức học và đích đến phải dành cho được một chỗ học lớp 10 ở trường công lập nhưng đến phút chót có cơ hội chuyển đổi nguyện vọng lần 2 thì PH, HS lớp 9 vẫn thấy rối bời.
Đúng như bài báo nhận định, do lo sợ con em không có cơ hội vào bất kỳ trường công nào nên nhiều PH đã cân nhắc kỹ và quyết định “né” trường tốp trên. Xung quanh câu chuyện chọn lựa đăng ký nguyện vọng, nhiều gia đình cũng xào xáo, cha mẹ giận con cái và ngược lại.
Bởi lẽ nhiều HS muốn đăng ký vào trường tốp trên vì ước mơ được học ở những ngôi trường mình yêu thích nhưng PH lo sợ con mình thi rớt sẽ khó có cơ hội kiếm được một chỗ học công lập. Khó có thể ghi nhận hết nỗi khổ liên quan đến việc đăng ký, chuyển đổi nguyện vọng.
Không chỉ HS, PH mà ngay cả giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu cũng… khổ vì sợ HS của mình lọt sổ khỏi trường công lập. Hơn nữa áp lực phải đạt thành tích tỷ lệ 95% HS lớp 9 trúng tuyển công lập cũng khiến nhiều trường “mất ăn mất ngủ”.
Tuy Sở GD-ĐT TPHCM đã thống kê số lượng HS đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 nhưng từ đăng ký lần 1 đến chuyển đổi lần 2 (từ ngày 20-5 đến hết ngày 26-5), không ít PH vẫn hết sức lo lắng vì “bút sa gà chết” và chắc gì đăng ký lại đã gặp may!
Câu hỏi làm thế nào để chọn được trường vừa sức học của con và tránh được bi kịch thi đạt điểm cao nhưng phải ra dân lập học vì không được chuyển đổi nguyện vọng như nhiều gia đình đã nếm trải trong các lần thi trước tựa gánh nặng ngàn cân đang đè nặng tâm lý PH. Sự lựa chọn nguyện vọng cả 2 lần chỉ mang tính ước chừng và rủi ro rất cao.
Một thực tế phải nhìn nhận là chuyện “học tài thi phận” và căn bệnh “học tủ” học đối phó, học thêm tràn lan đang diễn ra không phản ánh đúng năng lực, chất lượng đào tạo ở các trường. Chính vì cánh cửa thi tuyển lớp 10 công lập hẹp (chỉ tiếp nhận trên 72% HS lớp 9) và đăng ký nguyện vọng 1, 2, 3 chẳng khác nào chuyện đặt cược - xổ số nên chúng tôi đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM nên bỏ việc cộng điểm khuyến khích học nghề phổ thông vào điểm thi tuyển sinh lớp 10 như đang làm.
Dư luận và nhiều nhà giáo đã lên tiếng về chủ trương cộng thêm điểm học nghề này sẽ làm cho cơ hội cạnh tranh thiếu bình đẳng. Bởi lẽ chỉ cần hơn nhau 0,5 điểm đến 1 điểm là HS có thể chạm vào ước mơ hoặc bị đẩy ra khỏi chỗ học công lập. Khuyến khích HS cuối cấp chọn học một nghề là cần thiết nhưng chỉ nên coi đây là một môn học bắt buộc chứ không nên lấy kết quả này để cộng điểm khuyến khích ở kỳ thi quan trọng, quyết định việc chọn trường đầu cấp.
Ở một số trường, nhiều HS lớp 9 thích học môn điện, tin học vì dễ kiếm điểm nghề hơn nhưng vì không sắp lớp được nên buộc phải học những môn không hề thích như dinh dưỡng, thủ công… Rốt cuộc các em này chỉ đạt điểm nghề 0,5 - 1 điểm.
Để tạo sự công bằng trong tuyển sinh, mong ngành giáo dục TPHCM xem xét và không nên quy định đưa điểm học nghề phổ thông vào kết quả thi tuyển sinh lớp 10 (3 môn văn, toán, Anh văn).
KHÁNH HÀ