Xét tuyển nguyện vọng 2, 3: Cần thận trọng, đừng đánh mất cơ hội

Sáng nay, 14-8, nhằm giúp thí sinh, phụ huynh hiểu rõ những quy chế, quy định mới cũng như một số kinh nghiệm lựa chọn chính xác, không đánh mất cơ hội trong xét tuyển NV2, NV3, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM phối hợp cùng tổ chức chương trình “Tư vấn xét tuyển nguyện vọng 2”. Chương trình được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF) TPHCM (214 Pasteur, P6, Q3 TPHCM).
Xét tuyển nguyện vọng 2, 3: Cần thận trọng, đừng đánh mất cơ hội

(SGGPO).- Sáng nay, 14-8, nhằm giúp thí sinh, phụ huynh hiểu rõ những quy chế, quy định mới cũng như một số kinh nghiệm lựa chọn chính xác, không đánh mất cơ hội trong xét tuyển NV2, NV3, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM phối hợp cùng tổ chức chương trình “Tư vấn xét tuyển nguyện vọng 2”. Chương trình được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF) TPHCM (214 Pasteur, P6, Q3 TPHCM).

Tham gia chương trình “Tư vấn xét tuyển NV2: Chọn đúng trường – cơ hội trúng tuyển cao”, thí sinh đã được tư vấn bởi  những chuyên gia uy tín đến từ những trường ĐH lớn tại TPHCM như: Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT Nguyễn Quốc Cường - Trưởng ban tư vấn; PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tư vấn nhóm ngành nông lâm; PGS-TS Nguyễn Kim Hồng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM tư vấn nhóm ngành sư phạm; TS Dương Tấn Diệp – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM tư vấn nhóm ngành kinh tế; TS Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) tư  vấn nhóm ngành khoa học xã hội; TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tư vấn nhóm ngành kỹ thuật; Th.S Lê Thị Ngọc Thảo – Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng tư vấn nhóm ngành công nghệ.

Phát biểu tại buổi tư vấn, ông Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ: “Kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 đã khép lại cùng những cung bậc cảm xúc trái ngược nhau. Có niềm vui trúng tuyển nguyện vọng 1, có nỗi buồn và chút nuối tiếc khi các bạn phải đắn đo giữa những cơ hội nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Chọn trường nào, chọn nghề nào… quả thật là khó khăn trước quá nhiều sự lựa chọn cơ hội vào đời. Tương lai đang chờ các bạn. Đây là hoạt động tiếp theo trong chuỗi  chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh với phương châm “Tiên hướng nghiệp – Hậu hướng trường” mà báo SGGP đã tổ chức nhiều tháng trước kỳ thi ĐH-CĐ năm 2011 tại TPHCM và các tỉnh ĐBSCL. Và hôm nay phần nào những thắc mắc của các em sẽ được đội ngũ các chuyên gia tư vấn, những nhà sư phạm có nhiều kinh nghiệm giải đáp cặn kẽ”.

NGND. GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết: Tư vấn xét tuyển NV2, NV3 cho thí sinh là công việc thường niên của trường chúng tôi nhằm giúp cho thí sinh được tiếp xúc và tư vấn trực tiếp bởi các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực tuyển sinh. Việc làm này giúp thí sinh nắm bắt đầy đủ, chính xác những quy định mới về tuyển sinh, chỉ tiêu xét tuyển của các trường ĐH-CĐ để có cơ hội trúng tuyển cao vào đúng ngành nghề mình yêu thích.

Xét tuyển nguyện vọng 2, 3: Cần thận trọng, đừng đánh mất cơ hội ảnh 1

Sau đây là một số câu hỏi được các học sinh, phụ huynh thắc mắc tại buổi tư vấn:

- Hỏi: Thưa thầy, em trượt NV1 và có ý định xét tuyển vào khoa Tâm lý Giáo dục . Thầy cho em hỏi cơ hội việc làm của ngành này sau khi ra trường như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm TPHCM: Khoa Tâm lý giáo dục là một trong những khoa của trường ĐH Sư phạm TPHCM có tuyển NV2. Sau khi ra trường, bạn có thể làm việc ở các trường ĐH - CĐ có dạy môn tâm lý học hoặc chuyên viên tư vấn ở các trung tâm tư vấn, tư vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông…

Do Trường ĐH Sư phạm TPHCM là trường công lập nên khi theo học khoa Tâm lý giáo dục, bạn sẽ đóng học phí theo mức quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Học phí năm 2010 khoảng 3.9 triệu đồng/năm, bạn có thể tham khảo trên website của trường. Cơ hội vào NV2 khoa tâm lý ở trường ĐH Sư phạm TPHCM là khá cao và cơ hội có việc làm sau khi ra trường cũng như thu nhập cũng khá ổn định.

- Hỏi: Nếu làm hồ sơ xét tuyển NV2 và nộp đơn nhập học vào một trường nhưng em không muốn học nữa thì có thể chuyển trường khác được không?

Ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên viên Bộ Giáo dục – Đào tạo: Nếu đợt thi ĐH vừa rồi bạn dự thi cả 3 đợt thi vào 3 trường khác nhau và trúng tuyển cả 3 trường thì bạn có thể nộp hồ sơ nhập học vào bất cứ trường nào. Nếu thi đậu vào một trường thì theo quy định của Bộ GDĐT thì bạn không được phép chuyển trường, trừ khi bạn trúng tuyển vào trường ĐH tại TPHCM nhưng do hoàn cảnh gia đình muốn xin về học tại các trường cao đẳng tại địa phương thì lúc đó bạn mới được phép rút hồ sơ về đăng ký học tại các trường cao đẳng tại địa phương.

Chuyên viên tuyển sinh Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Quốc Cường giải đáp thêm cho các phụ huynh. Ảnh: Mai Hải

Chuyên viên tuyển sinh Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Quốc Cường giải đáp thêm cho các phụ huynh. Ảnh: Mai Hải

- Hỏi: Tôi phấn khởi với lưu ý của GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền là cần phải lưu ý chất lượng đầu ra để lựa chọn trường là điều mà tất cả phụ huynh đều quan tâm. Tôi thấy UEF có tuyển các ngành NV2 như ngành Tài chính, Quản trị kinh doanh… Tôi muốn hỏi điểm chuẩn NV2 của ngành Quản trị kinh doanh và mức học phí, điều kiện học. Thời gian học 4 năm là toàn  bộ học tại VN hay có học ở nước ngoài? Xin cảm ơn.

TS Dương Tấn Diệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh Tế - Tài Chính TPHCM (UEF): UEF xét tuyển lấy từ điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Học phí của trường khá cao nên nhiều phụ huynh cũng băn khoăn khi cho con vào học tại trường. Chi phí học cụ thể trung bình khoảng 270- 280 triệu đồng/ 4 năm học.

Thời gian học, trường có 2 hệ đào tạo: hệ đào tạo trong nước học toàn bộ 4 năm tại UEF; chương trình liên kết với các đại học ở Hoa Kỳ theo quy chế 2+2 tức là học 2 năm tại UEF và 2 năm học tại một trường ĐH ở Hoa Kỳ và bằng cấp sẽ do trường ĐH ở Hoa Kỳ cấp.

Chương trình học liên kết có những suất học bổng phù hợp, căn cứ vào điểm trung bình của 3 năm học phổ thông và điểm Anh văn, không căn cứ vào điểm thi đại học. Ngoài ra, trường cũng có những suất học bổng 50%-100% cho 2 năm học tại UEF và khi chuyển sang trường đối tác thì cũng có khả năng được xét học bổng.

- Hỏi: Em thi vào trường ĐH Sư phạm kỹ thuật được 10.5 điểm vậy em có được học hệ cao đẳng của trường không? Vậy em có phải làm đơn xét tuyển NV2 không hay trường sẽ tự xét cho em luôn ạ?

TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM: Nhiều thí sinh cũng thắc mắc như bạn. Năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo có 2 thay đổi để tạo cơ hội cho thí sinh trúng tuyển cao hơn: TS được rút hồ sơ khi thấy khả năng trúng tuyển không cao; thời gian xét tuyển từ 25-8 đến 15-9, kéo dài thêm 5 ngày nên ta phải tận dụng tốt. 

Tuy nhiên, các em không nên ỷ y là được phép nộp hồ sơ vào rồi có thể rút ra mà vội vàng nộp hồ sơ sớm. Chúng ta phải cân nhắc thật kỹ và tham khảo thông tin về tuyển sinh NV2 trên các báo, trang web của Bộ GD-ĐT.

Trở lại với câu hỏi, bạn thi được 10.5 điểm nhưng đã cộng điểm ưu tiên chưa. Nếu cộng điểm ưu tiên khu vực 2 được 0.5 điểm nữa, bạn vừa đủ điểm để xét tuyển hệ CĐ của trường (trường xét từ 11 điểm trở lên). TS lưu ý là điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển là khác nhau. Ví dụ điểm chuẩn hệ CĐ của trường là 10 điểm nhưng điểm xét tuyển NV2 là 11 điểm, phải đủ 11 điểm trở lên mới được nộp đơn xét tuyển nên bạn phải tham khảo kỹ thông tin.

- Hỏi: Em thi khối A được 14.5 điểm và nộp đơn xét tuyển NV2 vào khoa Công nghệ Hóa trường ĐH Tôn Đức Thắng năm nay lấy 13 điểm. Vậy cho em hỏi khả năng trúng tuyển vào ngành đó cao không hay nên nộp vào ngành nào phù hợp với điểm thi của em?

ThS Lê Thị Ngọc Thảo – Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Tôn Đức Thắng: Khoa Công nghệ Hóa có điểm chuẩn NV1 ở khối A là 13 điểm, khối B là 15 điểm. Trường hợp của em được 14.5 điểm, nếu em nộp hồ sơ NV2 vào ngành này thì cánh cửa rộng mở. Đây là ngành mũi nhọn của trường nên được trang bị cơ sở vật chất khá hiện đại và nhận nhiều dự án của Nhà nước để thực hiện. Nếu muốn chắc chắn, em có thể chọn lựa thêm các khoa: Kỹ thuật khoa học môi trường, khoa Kỹ thuật xã hội lao động… vì điểm chuẩn NV2 của các khoa này năm trước thấp hơn khoa Công nghệ Hóa.

- Hỏi: Thưa Thầy, em thi cao đẳng được 18.5 điểm. Em có thể dùng điểm này xét tuyển vào hệ CĐ của trường ĐH Nông Lâm TPHCM không hay em phải dùng điểm ĐH để xét?

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Hầu hết các trường đại học có hệ cao đẳng đều xét tuyển hệ cao đẳng bằng điểm thi ĐH, không sử dụng điểm thi của trường CĐ. Trường ĐH Nông Lâm có 5 ngành tuyển hệ CĐ cũng xét tuyển bằng điểm thi ĐH. Các bạn cần lưu ý không nên gửi nhầm điểm sẽ bị mất cơ hội.

- Hỏi: Con tôi thi được 18 điểm khối A và muốn xét NV2 vào ngành Tài chính ngân hàng của trường ĐH Tôn Đức Thắng có được không?

ThS Lê Thị Ngọc Thảo – Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Hiện nay ngành tài chính rất "hot". Tuy điểm chuẩn NV2 chưa có nhưng điểm xét tuyển NV2 thường là 17 điểm trở lên. Con anh đạt 18 điểm thì có thể nộp đơn xét tuyển vào trường.

- Hỏi: Nhờ các thầy cô tư vấn giúp cơ hội đỗ NV2 vào nhóm ngành kinh tế - tài chính cho thí sinh có mức điểm chỉ bằng điểm sàn.

TS Dương Tấn Diệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM: Với mức điểm này các bạn nên nộp đơn vào các trường ngoài công lập thì khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn khi các bạn nộp đơn vào các trường công lập. Năm nay, có đến 33% thí sinh đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - đó là con số khá cao nên các bạn thí sinh cần cân nhắc lựa chọn.

Phụ huynh Hà Thị Thanh Vân nêu thắc mắc với các nhà tư vấn. Ảnh: Mai Hải

Phụ huynh Hà Thị Thanh Vân nêu thắc mắc với các nhà tư vấn. Ảnh: Mai Hải

- Hỏi: Con tôi thi vào khoa Quản trị Kinh doanh của trường ĐH Công Nghiệp TPHCM nhưng không đủ điểm đậu. Tôi thấy trường ĐH Công Nghiệp TPHCM có khoa Kinh doanh Quốc tế và điểm của con tôi có khả năng đậu ngành này bằng NV2 nhưng cháu lại không thích. Vậy tôi nên khuyên con như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên viên Bộ Giáo dục – Đào tạo: Cách đây 2 tuần, tôi có đọc một bài báo về một sinh viên đang học ĐH Ngoại thương Hà Nội (năm ngoái em đậu của ĐH Y Dược và ĐH Ngoại thương và em chọn học ĐH Ngoại thương). Nhưng khi học ĐH Ngoại thương, em thấy không phù hợp và quyết định thi vào ĐH Nông nghiệp và đỗ thủ khoa. Tôi nhắc lại câu chuyện này để nói đến sự đam mê của mỗi người quyết định quan trọng thế nào đến việc lựa chọn ngành học. Chính vì vậy, để đáp ứng đúng nguyện vọng, học sinh không nhất thiết phải học ngay bậc ĐH mà có thể học cao đẳng rồi liên thông lên để đúng với đam mê và nguyện vọng của con em mình.

Ngành Kinh doanh Quốc tế của ĐH Công nghiệp TPHCM xét tuyển từ 15 điểm nhưng theo kinh nghiệm làm tuyển sinh 10 năm nay cho thấy các trường công lập, ở nhóm ngành kinh tế thì điểm chuẩn xét cho NV2 thường cao hơn từ 2-3 điểm. Ví dụ điểm sàn xét tuyển NV2 là 15 thì điểm chuẩn có thể từ 17 điểm trở lên và nếu con chị có mức điểm đó thì mới an tâm nộp hồ sơ vào.

TS Dương Tấn Diệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM: Có 2 cách để lựa chọn hoặc là con chị sẽ xét tuyển vào hệ cao đẳng ngành Quản trị Kinh doanh theo sở thích và học liên thông lên đại học; hoặc vào học khoa Kinh doanh Quốc tế hệ ĐH trường ĐH Công Nghiệp TPHCM vì thực ra 2 ngành này có sự giao thoa rất lớn, đa phần đến năm 2 năm 3 các trường mới bắt đầu tách chuyên ngành.

Kinh doanh quốc tế là những hoạt động kinh doanh có sự liên kết, liên quan với nước ngoài nhưng ngành này đòi hỏi ngoại ngữ khá cao và nếu con chị có trình độ ngoại ngữ giỏi thì dù học ngành nào trong 2 ngành này đếu có cơ hội việc làm tốt vì kinh doanh quốc tế cũng có nền cơ bản từ quản trị kinh doanh.

TS Dương Tấn Diệp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM đang giải đáp thắc mắc của các phụ huynh và thí sinh. Ảnh: Mai Hải

TS Dương Tấn Diệp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM đang giải đáp thắc mắc của các phụ huynh và thí sinh. Ảnh: Mai Hải

- Hỏi: Em thích học khoa Báo chí truyền thông nhưng em thi chỉ được 17.5 điểm. Em thấy trường ĐH Văn Lang và ĐH Quốc tế Hồng Bàng có 2 ngành tương tự là ngành Ngữ văn – Truyền thông và ngành Quan hệ công chúng. Vậy học ngành nào sẽ sát với chương trình ngành báo chí – truyền thông?

TS Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng phòng đào tạo trường KHXH&NV TPHCM: Ngành này hấp dẫn nhưng để theo nghề, nó đòi hỏi những đặc điểm, tố chất, năng lực của mỗi người. 

Nếu bạn không trúng tuyển vào ngành này tại trường ĐH KHXH-NV mà bạn muốn tìm một ngành tương tự để học, tôi khuyên là các bạn cần xem xét lại các khả năng viết lách, dấn thân… của bản thân. Hướng mở của trường năm nay là nếu bạn không trúng tuyển NV1 vào trường thì có thể học bằng NV2 vào ngành học tại trường. Học xong học kỳ 1, các bạn có thể học bổ sung các môn của ngành học khác để cấp bằng tương đương.

- Hỏi: Thưa Thầy, em đậu vào ngành Sư phạm kỹ thuật cơ khí, đó là ước mơ của em trở thành giáo viên dạy kỹ thuật. Nhưng em nghe nói ngành học này khá “ảm đạm”, cực nhọc hơn những ngành mà chỉ nghe đã “oai” như: tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh… vậy thầy tư vấn cho em biết tương lai về nghề mà em ấp ủ ước mơ bấy lâu nay?

TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM: Khi nghĩ đến cơ khí, kỹ thuật, người ta thường nghĩ ngay là công việc nặng nhọc, dầu mỡ… Tuy nhiên, rất nhiều em không biết bây giờ ngành cơ khí là làm việc với máy tính, máy CNC… Các kỹ sư làm việc cũng mặc áo trắng, đeo caravat, tay chân không hề dính tí dầu mỡ chút nào. Em cứ yên tâm học ngành của mình.

Tuy nhiên, như các thầy ở đây đã tư vấn, nhóm ngành này có điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn điểm sàn xét tuyển 2-3 điểm nên chúng ta cần cân nhắc. Riêng các ngành công nghệ- kỹ thuật hay các ngành sư phạm kỹ thuật trong các năm vừa qua thường lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn xét tuyển. Tôi lấy ví dụ, điểm xét tuyển NV2 ngành Quản lý công nghiệp là 14.5 điểm và điểm chuẩn NV2 là 16.5 điểm, các ngành còn lại chỉ lấy từ 13-14 điểm tương đương mức xét tuyển. Thực tế không chỉ các ngành kinh tế mới có thu nhập cao, những ngành như cơ khí chế tạo máy, ô tô… thu nhập khi mới ra trường khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Em Lê Huyền Trâm đặt câu hỏi với các nhà tư vấn.

Em Lê Huyền Trâm đặt câu hỏi với các nhà tư vấn.

- Hỏi: Thưa thầy, tốt nghiệp ngành Công nghệ tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM  em sẽ làm kỹ sư hay giáo viên ạ. Em thi được 16 điểm có thể xét tuyển NV2 vào trường được không?

TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM: Có 2 nhóm ngành đào tạo là nhóm ngành bắt đầu bằng công nghệ sẽ đào tạo ra những kỹ sư chuyên ngành; còn những ngành thuộc Sư phạm, sau khi đào tạo, em sẽ có bằng kỹ sư và chứng chỉ sư phạm bậc 2. Như vậy, điểm khác nhau giữa 2 chương trình là khi học ngành sư phạm em phải học thêm 1 học kỳ nữa, trong khi nhóm kỹ thuật chỉ học trong 4.5 năm. Nhóm ngành kỹ thuật có mức học phí 3.4 triệu đồng/năm, còn các ngành sư phạm được miễn học phí theo quy định của Nhà nước.
 
- Hỏi: Em thi khối C được 16.5 điểm (đã tính điểm ưu tiên). Em có thể xét tuyển vào trường nào ạ? Nếu em nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Sư phạm TPHCM mà em không có hộ khẩu tại TPHCM thì em có cơ hội được giảng dạy tại TPHCM sau khi ra trường không?

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm TPHCM: Nếu bạn đăng ký xét tuyển NV2 vào ĐH Sư phạm TPHCM thì có thể vào các ngành: Sư phạm chính trị, văn học,… Em có thể tham khảo trên website của trường. Việc tuyển dụng để làm GV thì ở TPHCM có yêu cầu tuyển dụng riêng. Với những ngành nhiều ứng viên dự tuyển thì Sở GD-ĐT TPHCM ưu tiên cho ứng viên có hộ khẩu tại TPHCM, còn lại họ vẫn có thể tuyển ở khu vực ngoài TPHCM. Riêng các trường tư thục, bán công… hoàn toàn có thể nhận bạn mà không cần hộ khẩu TPHCM.

TS Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐHKHXHNV: Trường ĐHKHXH&NV và ĐH Sài Gòn cũng có nhiều ngành tuyển khối C và rất nhiều ngành tuyển NV2 khối C bắt đầu từ 14 điểm trở lên.

- Hỏi: Em thi khối A vào ĐH Công nghiệp TPHCM và giấy báo điểm vẫn chưa có trong khi gần đến ngày xét tuyển NV2 rồi thì lỡ giấy báo dự thi thất lạc thì sao ạ?

Ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên viên Bộ Giáo dục – Đào tạo: Hiện nay, các trường ĐH-ĐH đang gấp rút in giấy báo nhập học nếu trúng tuyển và giấy báo kết quả thi dành cho TS không trúng tuyển NV1. Chắc chắn trong tuần sau, TS sẽ nhận được giấy báo, TS nộp hồ sơ dự thi ở đâu thì đến đó nhận giấy báo kết quả. Nếu có thất lạc hay không thì phải đến cuối tháng 8 mới biết chính xác và khi đó em liên hệ với nơi đăng ký để được cấp lại giấy báo để xét tuyển.

Nhóm PV

Báo SGGP trân trọng cảm ơn những chuyên gia tư vấn: Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT Nguyễn Quốc Cường; PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM; PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM; TS Dương Tấn Diệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM; TS Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM); TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; ThS Lê Thị Ngọc Thảo, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Sau khi Báo SGGP ngày 5-8-2011 đăng bài “Thủ khoa Trường Đại học Nông Lâm TPHCM: Học nông học dù… thiếu đất”, Ban Giám hiệu Trường Đại học Nông Lâm TPHCM quyết định miễn học phí cho em Nguyễn Huỳnh Nhật Dương. ThS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên cho biết: “Nhà trường có nguồn học bổng “Đồng hành cùng Đại học Nông Lâm TPHCM” do các cựu sinh viên, các doanh nghiệp và mạnh thường quân tài trợ sẽ đảm bảo cho em Dương yên tâm thực hiện ước mơ theo đuổi ngành Nông học”.

T.HA

Tin cùng chuyên mục