Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định mỗi thí sinh rớt nguyện vọng (NV) 1 nhưng đạt bằng điểm sàn trở lên sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả để tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS). Như vậy, nếu thí sinh thi 2 khối và thi hai đợt (đợt ĐH và CĐ) sẽ nhận được tổng cộng 9 giấy chứng nhận kết quả để tham gia xét tuyển. Như vậy, những trường tham gia xét tuyển NVBS năm nay phải đối diện với bài toán ảo rất lớn còn thí sinh cũng hồi hộp vì khó biết được lượng hồ sơ chính xác đăng ký vào từng ngành khi các trường công bố trên website.
Tăng số lượng ảo
Những mùa tuyển sinh trước, thí sinh rớt NV1 nhưng đủ điều kiện tham gia xét tuyển NVBS sẽ được cấp tối đa 6 giấy chứng nhận để tham gia xét tuyển. Năm nay, theo quy định mới, thí sinh sẽ được cấp tối đa 9 giấy chứng nhận kết quả (6 giấy chứng nhận kết quả ĐH và 3 giấy chứng nhận CĐ). Thực tế cho thấy, trong đợt xét tuyển đầu tiên của năm nay, tuy mới trải qua 1/3 thời gian nhưng có trường đã đau đầu với tình trạng một thí sinh đăng ký xét tuyển một lúc 3 ngành, thậm chí 6 ngành trong cùng một trường. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết: “Tính đến cuối ngày 25-8, trường nhận hơn 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển cho cả hệ ĐH và CĐ. Trong đó có rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển 2 - 3 ngành cùng một lúc. Như vậy, tình trạng số lượng ảo xét tuyển NVBS năm nay sẽ rất nhiều và các trường phải đau đầu giải quyết bài toán này”.
Theo bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, năm nay có rất nhiều thí sinh nộp từ 5-6 giấy chứng nhận kết quả đăng ký xét tuyển vào trường. Nhiều thí sinh dù được tư vấn nên đăng ký vào những ngành có nhiều cơ hội nhưng thí sinh vẫn xin đăng ký vào nhiều ngành khác. Do đó, tình trạng hồ sơ ảo năm nay chắc chắn cũng sẽ rất lớn.
Tương tự tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, sau 5 ngày xét tuyển NVBS, trường nhận hơn 2.200 hồ sơ đăng ký vào ĐH và 1.000 hồ sơ đăng ký vào CĐ. Theo bộ phận thu nhận hồ sơ, có khá nhiều trường hợp thí sinh đăng ký xét tuyển vào 2 ngành cùng một lúc. Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng đào tạo nhà trường cho rằng: “Với tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển như thế này, dự kiến năm nay tình trạng hồ sơ ảo trong xét tuyển NVBS sẽ rất lớn so với mọi năm”. Như vậy, những trường tham gia cuộc đua vớt thí sinh ở NVBS năm nay sẽ phải tính toán kỹ nếu không chắc chắn các trường sẽ rơi vào tình trạng hồ sơ nhiều, điểm trúng tuyển cao nhưng thí sinh trúng tuyển nhập học ít.
Thí sinh hồi hộp
Theo nhận định của nhiều trường, tình hình xét tuyển NVBS năm nay sẽ rất quyết liệt so với mọi năm. Trước hết, số lượng thí sinh trên điểm sàn dôi dư khá lớn, đồng thời lượng giấy chứng nhận kết quả để tham gia xét tuyển cũng khá nhiều.
Trước thực tế này, trong những ngày đầu xét tuyển NVBS, nhiều thí sinh đã nôn nóng nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở nhiều ngành và nhiều trường. Thực tế, chỉ tiêu NVBS của nhiều trường như ĐH Tài chính Marketing TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM… không nhiều nhưng lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển hiện nay đã gấp ba so với chỉ tiêu cần tuyển. Phân tích về tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT cho rằng: “Đối với trường công lập, điểm trúng tuyển NVBS những ngành nhận hồ sơ mức 16-17 điểm có thể sẽ cao hơn nhiều. Bởi lẽ, lượng thí sinh đạt từ 18 - 19,5 điểm từ nhiều trường như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) tham gia xét tuyển NVBS khá đông”. Do đó, nếu thí sinh không tham khảo kỹ, vội vàng nộp hồ sơ sẽ dễ đánh mất cơ hội trúng tuyển NVBS vào nhiều trường công lập.
Ngoài việc tính toán về mức điểm xét tuyển, thí sinh còn khá căng thẳng với việc nhiều trường “xé rào” như: cấp giấy báo trúng tuyển và mời nhập học khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NVBS, nhiều trường rút ngắn thời gian đăng ký xét tuyển, nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Đáng nói hơn, dù thời gian xét tuyển NVBS đợt 1 còn 2/3 nhưng hiện nay có khá nhiều thí sinh chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả. Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, rất nhiều thí sinh đến Văn phòng tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT nhận giấy chứng nhận kết quả của các trường như CĐ Kinh tế Đối ngoại, ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và nhiều trường ở phía Bắc đều không nhận được giấy chứng nhận với lý do “những trường này chậm chuyển giấy chứng nhận kết quả về hai đơn vị trên”. Bên cạnh đó, rất nhiều thi sinh mượn trường thi vào các trường không tổ chức thi như CĐ Kinh tế TPHCM, ĐH Văn Lang, ĐH Ngoại ngữ - Tin học, ĐH Văn Hiến, CĐ Phát thanh và truyền hình 2… đến nay vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả do các trường tổ chức thi “giam giấy chứng nhận kết quả” của thí sinh.
Theo Quy chế tuyển sinh năm 2013: Các trường xét tuyển NVBS bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 20-8 đến ngày 31-10. Có 3 đợt xét tuyển và mỗi đợt kéo dài 20 ngày. Các trường xét tuyển và xác định điểm trúng tuyển theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. |
THANH HÙNG