Xét xử “đại án” ở OceanBank: Bị cáo Hứa Thị Phấn được đề nghị đình chỉ vụ án

Ngày 18-9, phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) cùng đồng phạm trong “đại án” kinh tế xảy ra tại OceanBank tiếp tục phần bào chữa của các luật sư. 
Xét xử “đại án” ở OceanBank: Bị cáo Hứa Thị Phấn được đề nghị đình chỉ vụ án
Đáng chú ý, trong phần bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ; bị truy tố về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”), luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cho rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự đối với bà Phấn về tội “Vi phạm quy định về cho vay” đối với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank là không đúng người, đúng tội, không phù hợp với chứng cứ trong hồ sơ vụ án.
Luật sư đã đề nghị HĐXX xem xét chấp thuận tuyên bà Hứa Thị Phấn không phạm tội và đình chỉ vụ án đối với bà Phấn. Lý giải cho đề nghị này, luật sư Thảo cho rằng trước sức ép của Hà Văn Thắm, vào tháng 2-2012, bà Phấn và các cổ đông còn lại buộc phải ký hợp đồng kinh tế để chuyển nhượng 84,92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín cho Hà Văn Thắm mà bà Phấn là một trong những cổ đông lớn của ngân hàng này. Sau đó, Hà Văn Thắm đã đề nghị chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) với điều kiện Danh phải trả cho Thắm số tiền hoa hồng 1.200 tỷ đồng, sau đó số tiền này được thỏa thuận lại còn 800 tỷ đồng, nhưng Danh chỉ mới thanh toán được cho Thắm 500 tỷ đồng.

Luật sư cũng cho rằng, Công ty Trung Dung thực chất là công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh. Trong khi đó, bà Phấn không bàn bạc, không tự nguyện cho mượn tài sản, cũng như không cùng ý chí, không cùng thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cho vay đối với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank. Toàn bộ số tiền 500 tỷ đồng nói trên, cũng như toàn bộ số tiền lãi gửi tiết kiệm phát sinh từ số tiền này và 6 quyền sử dụng đất từ Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận), kể cả Ngân hàng Đại Tín sau này được Phạm Công Danh đổi tên là Ngân hàng Xây dựng, đều do Phạm Công Danh quản lý, định đoạt và sử dụng nhằm phục vụ lợi ích của ông Danh. 

Trước đó, trong bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ, các bị cáo Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh và Trần Văn Bình (Tổng giám đốc Công ty Trung Dung) đã thực hiện hành vi sử dụng các tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo cho khoản vay nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ vay vốn số tiền 500 tỷ đồng để bị cáo Danh sử dụng số tiền vay vào việc thanh toán các khoản nợ của bị cáo Phấn theo thỏa thuận mua lại Ngân hàng Đại Tín. Hành vi đó của các bị cáo đã đồng phạm với bị cáo Hà Văn Thắm về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho OceanBank, hậu quả thiệt hại hiện chưa khắc phục.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị HĐXX tuyên Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay đã chiếm hưởng 500 tỷ đồng cùng với số lãi theo quy định cho OceanBank.

Tại phiên tòa xét xử “đại án” kinh tế tại OceanBank, bị cáo Hứa Thị Phấn đã có đơn xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Luật sư của bị cáo Phấn cho biết, hiện nay bị cáo này đang nằm bệnh viện điều trị trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, lúc tỉnh lúc mê. Qua giám định sức khỏe của cơ quan công an cho thấy bị cáo Phấn bị mất tới 93% sức khỏe. 
Truy nã 3 cán bộ OceanBank Chi nhánh Hải Phòng

Ngày 18-9, liên quan tới vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Chi nhánh Hải Phòng của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định truy nã 3 bị can, với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Theo đó, 3 bị can bị truy nã bao gồm: Trần Thị Kim Chi (43 tuổi, Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng), Lê Vương Hoàng (36 tuổi, kiểm soát viên Chi nhánh Hải Phòng) và Nguyễn Thị Minh Huệ (35 tuổi, cán bộ Chi nhánh Hải Phòng). Cả 3 bị can này được xác định đã bỏ trốn khỏi Hải Phòng vào tháng 9-2017. 

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can nêu trên. Cơ quan chức năng xác định, 3 bị can nói trên có liên quan tới việc hơn 20 khách hàng mặc dù có sổ tiết kiệm gửi tại Chi nhánh Hải Phòng nhưng gặp “sự cố” không có tên trên hệ thống kiểm soát của OceanBank, trong khi tổng số tiền các khách hàng gửi tiết kiệm vào chi nhánh này lên tới gần 500 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục