Xóa bài làm lại?

Những rắc rối diễn ra những ngày qua xung quanh sự kiện Câu lạc bộ Xi măng Xuân Thành (XMXT) Sài Gòn rút lui khỏi V-League 2013 được cho là hệ quả của sự quản lý yếu kém trong bóng đá. Lý do để XMXT Sài Gòn rút lui là vì không tôn trọng và tin tưởng năng lực điều hành của LĐBĐ Việt Nam (VFF). Để XMXT Sài Gòn đơn phương ra quyết định bỏ giải một cách chóng vánh, bất chấp hậu quả và những hệ lụy cho nền bóng đá, là trách nhiệm của VFF khi họ không có phương cách quản lý hữu hiệu, thiếu biện pháp chế tài và bị động trong việc giải quyết các hệ lụy sau khi sự cố xảy ra. Thế nhưng, hoạt động thiếu hiệu quả, mất uy tín trầm trọng của VFF cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL.

Có thời điểm, bóng đá Việt Nam phát triển gần như loạn xạ, được ví von theo kiểu “nhà nhà làm bóng đá, người người làm bóng đá”. Nhiều câu lạc bộ sau một đêm được ra đời không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, nhưng vẫn được VFF cấp “giấy thông hành” để đá bóng chuyên nghiệp.

Có đội bóng, chủ sở hữu nằm ở một nơi, “đóng quân” ở một nẻo, cầu thủ đều được thuê mướn từ nhiều nơi chứ không có người do mình tự đào tạo, chẳng biết đại diện cho địa phương nào dù tiêu chí đầu tiên của các câu lạc bộ chuyên nghiệp là phục vụ khán giả địa phương...

Vì lẽ đó, việc tuyên bố bỏ giải, nghỉ thi đấu được các câu lạc bộ đưa ra rất dễ dàng mặc dù hậu quả của nó gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến một giải đấu. Không phải bỗng dưng mà sau nhiều năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, Ban tổ chức giải nhà nghề Nhật Bản đã phải đặt ra tiêu chí tối thượng cho bất kỳ câu lạc bộ nào muốn được công nhận “chuyên nghiệp” là phải có sự bảo trợ của địa phương, phải có lực lượng CĐV với quyền lợi và trách nhiệm liên quan, hạn chế tối đa việc sở hữu 100% của các doanh nghiệp.

Để có thể đạt đến trình độ như bóng đá Nhật Bản, rõ ràng, ở góc độ quản lý vĩ mô, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cần phải được chú trọng. FIFA không cho phép nhà nước can thiệp vào hoạt động điều hành của liên đoàn, nhưng mỗi nền bóng đá đều phải vận hành phù hợp với chủ trương, định hướng thể thao chuyên nghiệp của quốc gia và dựa vào đó để các liên đoàn đưa ra tiêu chí, quy định cụ thể để áp đặt đối với các thành viên tham gia vào đời sống bóng đá. Không thể có chuyện thành lập câu lạc bộ chuyên nghiệp mà không có khâu đào tạo, không có tuyến trẻ, không gắn kết với phong trào địa phương hay không kết nối được với khán giả. Nếu khắt khe các tiêu chuẩn ấy, sẽ không thể nào dễ dàng xóa sổ một đội bóng. Trên thế giới, thông thường người ta chỉ thay đổi chủ sở hữu chứ ngay cả chuyện đổi tên cũng vô cùng khó khăn, nói gì đến việc thích thì đá, chán thì tuyên bố bỏ giải.

Vụ XMXT Sài Gòn bỏ giải, không chỉ là một sự kiện đáng xấu hổ của bóng đá Việt Nam, mà còn phô bày sự thật về chất lượng quản lý Nhà nước yếu kém đối với nền bóng đá nước ta. Vì vậy rất cần đại phẫu từ trên xuống, bắt đầu từ công tác quản lý của Tổng cục TDTT và rộng hơn là trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL. Qua vụ XMXT Sài Gòn có nhiều ý kiến cho rằng cần tái cơ cấu nền bóng đá nước ta và làm triệt để, ngay cả chấp nhận tạm ngưng thi đấu 1-2 năm để xây dựng nền tảng bóng đá chuyên nghiệp thì mới mong nước nhà có nền bóng đá sạch và đỉnh cao trong tương lai.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục