Xóa dự án nhưng người dân lo quy hoạch “treo”

Đó là báo cáo của ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách  HĐND TPHCM vào ngày 3-11 về tình hình chuyển tiếp các dự án nhà ở đã bị thu hồi.

(SGGP).- Đó là báo cáo của ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách  HĐND TPHCM vào ngày 3-11 về tình hình chuyển tiếp các dự án nhà ở đã bị thu hồi.

Theo đó, trên địa bàn xã Phong Phú có 2 dự án, thứ nhất là Dự án khu dân cư Phong Phú 2 do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư, có diện tích 127.000m2. Năm 2009, UBND TP chấp thuận địa điểm cho công ty làm khu dân cư; năm 2013, Sở Tài nguyên - Môi trường ra văn bản chấm dứt chấp thuận địa điểm, vì chậm triển khai (chỉ mới bồi thường khoảng 48%, đền bù kiểu “da beo”). Dự án thứ hai là khu biệt thự sinh thái xã Phong Phú do Công ty TNHH Dịch vụ Triển Phong làm chủ đầu tư, có diện tích 380.000m2. Năm 2009, UBND TP chấp thuận địa điểm đầu tư; năm 2013, Sở Tài nguyên - Môi trường ban hành văn bản chấm dứt dự án, do có tỷ lệ bồi thường dưới 50%. “Mặc dù chấm dứt dự án nhưng quy hoạch vẫn còn đó, người dân không an tâm, lo ngại vì không chuyển được mục đích sử dụng đất, nhà trọ không xây dựng được, không dám đầu tư xây dựng làm ăn lớn. Cũng vì vướng dự án nên không được đầu tư hạ tầng làm xã nông thôn mới, hệ thống nước sạch cho dân cũng không có”, ông Nguyễn Hữu Hiệp nói.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM nhận xét, việc dừng dự án, nhà đầu tư nóng ruột bị chôn vốn, nhưng không bằng sốt ruột của người dân vì các quyền lợi bị bó buộc, trách nhiệm hiện nay chủ yếu nằm trong tay chủ đầu tư, phần dự án đền bù xong tiếp tục triển khai như thế nào? Hướng dẫn cách thực hiện, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, phần đất đã đền bù nếu không bị “da beo” có thể điều chỉnh ranh, tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch; còn nếu tiếp tục đền bù thì tự thương lượng với người dân, khi hoàn chỉnh 100% sẽ chỉ định làm chủ đầu tư theo quy định…

Cùng ngày, đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM đã có buổi giám sát dự án Khu nhà vườn và du lịch sinh thái tại xã Phú Hòa Đông và dự án Viện trường Y tế TPHCM tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi.

Theo huyện Củ Chi, dự án Viện trường Y tế TPHCM có tổng diện tích 105,98ha (tại 3 ấp thuộc xã Phước Hiệp) có 275 hộ dân bị ảnh hưởng. Dự án Viện trường này được đưa vào quy hoạch từ tháng 5-2006 và tiến hành đo đạc, kiểm kê năm 2007, từ đó đến nay người dân bỏ đất hoang nhưng nhiều năm qua chưa thấy triển khai gì. Người dân mong muốn nhà nước đền bù để có tiền chuyển sang ngành nghề khác và ổn định cuộc sống. Vì vậy, huyện kiến nghị, nếu dự án được nhà nước đầu tư, TP sớm bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường cho dân. Nếu TP thực hiện theo phương án xã hội hóa, cần nhanh chóng mời gọi nhà đầu tư để tiến hành bồi thường cho dân. Trường hợp không triển khai dự án, TP sớm có văn bản chấm dứt thực hiện dự án để người dân yên tâm sản xuất kinh doanh.

Về dự án nhà vườn và khu du lịch sinh thái do Hợp tác xã nhà vườn sinh thái Phương Đông Đồng Tiến làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 176ha tại xã Phú Hòa Đông, có tổng mức đầu tư 772,8 tỷ đồng chia thành 3 giai đoạn. Tuy nhiên, sau khi được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư không tiến hành triển khai dự án, kéo dài thời gian, gây bức xúc trong dân, nên UBND TP chấm dứt và không gia hạn thời gian thực hiện dự án vào ngày 22-5-2013.

Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng, để dự án kéo dài nhiều năm thì một phần trách nhiệm thuộc về huyện Củ Chi. Vì vậy, huyện khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy trình pháp lý dự án Viện trường Y tế TPHCM và có kiến nghị cụ thể để báo cáo UBND TP xử lý.

LƯƠNG THIỆN - QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục