Những năm qua, phong trào nuôi ong lấy mật ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã phát triển mạnh mẽ. Tận dụng thế mạnh của địa phương là có nhiều đồi rừng, các hộ dân đã tích cực chăm sóc và nhân rộng đàn ong. Hiện nay, việc nuôi ong lấy mật thực sự trở thành một trong những nghề cho thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và nhiều hộ còn làm giàu từ nghề này.
Gia cảnh khó khăn, quanh năm chỉ “bám” vào 2 mảnh ruộng, cuộc sống của gia đình anh Giàng A Vàng ở bản Dế Xu Phình A (xã Dế Xu Phình) cứ quanh quẩn với cái nghèo, cái đói. Năm 2012, được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn và trang bị kiến thức về nuôi ong, anh Vàng đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi ong mật tại nhà. Với nỗ lực của bản thân, từ gần chục đàn ong giống, đến nay anh đã nhân giống được gần 100 đàn. Anh Vàng phấn khởi cho biết: “Nuôi ong không vất vả lắm nhưng lại cho thu nhập cao. Năm vừa qua, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng từ tiền bán mật ong và đàn ong giống. Nhà tôi giờ không còn thiếu ăn, không còn phải nhận gạo cứu đói của nhà nước vào mỗi mùa đói giáp hạt như trước nữa”.
Khác với anh Vàng, anh Nguyễn Văn Toản (xã Dế Xu Phình) được gia đình cho ăn học đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, anh không xin vào các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp mà trở về địa phương để phát triển nghề nuôi ong. Anh nhận thấy, địa phương mình có thế mạnh để phát triển đàn ong, bởi nơi đây có nhiều loại hoa, tập trung ở cả bốn mùa, nhất là vào mùa xuân và mùa thu. Sau 3 năm tích cực chăm sóc, nhân đàn, đến nay anh đã có gần 1.000 đàn ong, trong đó có 600 đàn tập trung ở xã Dế Xu Phình và gần 400 đàn tại các xã khác. Năm 2014, được Phòng Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải hỗ trợ thêm về kiến thức và kinh phí, anh Toản đã nhân giống được hàng trăm đàn và bán ra thị trường. Nghề nuôi ong đã cho gia đình anh thu nhập ổn định khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Với những kinh nghiệm có được, anh không ngần ngại giúp đỡ kỹ thuật và ong giống cho các hộ khác tại địa phương để xóa đói giảm nghèo. Anh cho biết, mong muốn nhất hiện nay là muốn xây dựng thương hiệu mật ong Mù Cang Chải để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Mù Cang Chải là địa phương có thế mạnh về kinh tế đồi rừng, tỷ lệ hoa vào các mùa khá đa dạng và phong phú, nhưng người dân nơi đây vẫn chưa khai thác được thế mạnh này trong khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn ở mức cao. Từ thực tế này, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các phòng chuyên môn như nông nghiệp, trạm khuyến nông, hội nông dân… xây dựng các đề án phát triển đàn ong, tìm hướng đi cũng như tạo thương hiệu cho mật ong Mù Cang Chải. Dự kiến trong vài năm tới, đàn ong của huyện sẽ đạt khoảng 6.000 tổ. Trong 2 năm trở lại đây, nhờ có các đề án này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững và quan trọng là đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, không sản xuất theo lối cũ là tự cung tự cấp.
THẾ DUYỆT