Xoay chuyển cục diện chiến lược

Hơn một năm rưỡi trôi qua kể từ khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama chính thức công bố chiến lược an ninh quốc gia mới nhất, trong đó yêu cầu Lầu Năm Góc “tái cân bằng” trọng tâm chiến lược của Mỹ từ khu vực Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương, đến nay nhiều động thái cho thấy kế hoạch chuyển đổi chiến lược của Chính phủ Mỹ đã và đang được thúc đẩy bất chấp một số trở ngại.

Vấn đề cắt giảm ngân sách đang là thách thức lớn với Lầu Năm Góc. Dự kiến, Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng từ 100 đến 500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Trước mắt, trong năm tài chính 2013, Lầu Năm Góc phải cắt giảm 37 tỷ USD và sang năm 2014 là 52 tỷ USD. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng với việc cắt giảm ngân sách như vậy, Lầu Năm Góc sẽ tổ chức, huấn luyện và trang bị như thế nào cho quân đội của họ. Tổng quân số của Mỹ sẽ phải cắt giảm từ mức 570.000 xuống còn 420.000 quân.

Theo trang mạng Defense News (Tin tức Bộ Quốc phòng) của Mỹ, Lầu Năm Góc dự kiến triển khai kế hoạch di chuyển khoảng 9.000 lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa (Nhật Bản) đến một số địa điểm ở các nước khác trong khu vực, riêng kế hoạch này mất khoảng 12 tỷ USD. Hiện nay, Lầu Năm Góc đang triển khai kế hoạch di chuyển khoảng 4.800 lính thủy đánh bộ tới Guam, 2.700 đến Hawaii, 2.500 đến Australia và một số lực lượng khác trở về đóng quân tại các căn cứ trong nước Mỹ. Lực lượng Hải quân Mỹ cũng bắt đầu giai đoạn soạn thảo kế hoạch di chuyển và hoàn tất việc bố trí 60% tổng số tàu chiến của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020. Kế hoạch này không những sẽ điều động thêm chiếc tàu ngầm thứ 4 đã triển khai đến Guam năm 2015 và 4 tàu chiến hoạt động ven bờ ở Singapore mà còn tăng thêm các máy bay tuần tra biển và di chuyển các máy bay không người lái Fire Scout UAV và máy bay trinh sát điện tử từ chiến trường Afghanistan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tương tự, lực lượng Không quân Mỹ cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch di chuyển các đơn vị không quân từ Afghanistan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm các lữ đoàn máy bay ném bom B-1, máy bay trinh sát không người lái MQ-9 Reaper và U-2, máy bay không người lái Global Hawk. Lục quân Mỹ sẽ điều động khoảng 91.000 binh sĩ và nhân viên dân sự đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường nhân lực và hỗ trợ 8 lữ đoàn chiến đấu, 12 trận địa tên lửa Patriot và các lực lượng khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và tân Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel trong tuần đã lên tiếng trấn an các đồng minh khi cho biết sẽ có không có chuyện thay đổi, thoái lui, hay đầu tư ngắn hạn trong cam kết của Mỹ xoay trục chiến lược vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông Hagel, mục đích chính của việc cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc là làm cho quân đội Mỹ “tinh hơn và gọn hơn”, cắt giảm mạnh nhân sự quản lý và giảm các khoản đầu tư vào các loại vũ khí thông thường.

Về phía ông Russel, phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên của ông trên cương vị mới, ông cho rằng “Có thể tin tưởng vào việc chúng tôi tiếp tục can dự sâu rộng vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì lợi ích to lớn của chúng tôi trong khu vực đó”. Thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện dễ dàng và duy trì ổn định khu vực này cũng là lợi ích kinh tế chiến lược của Mỹ.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục