Xốc lại dạy nghề

Sau những băn khoăn, trăn trở và tranh luận nảy lửa, cuối cùng số phận dạy nghề đã được định đoạt và chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chính thức chuyển giao về Bộ LĐTB-XH. Theo đó, hơn 500 trường CĐ, TCCN sẽ phải chuyển giao nguyên trạng (chức năng, nhiệm vụ) trong tháng 2-2017 để đảm bảo từ ngày 1-3, Sở LĐTB-XH các địa phương đảm trách nhiệm vụ quản lý về chuyên môn, giúp UBND các tỉnh, TP trên cả nước thống nhất quản lý nhà nước về GDNN. Có thể nói, đây là cuộc chuyển giao dạy nghề với quy mô lớn chưa từng có và dư luận đang đặt ra nhiều đòi hỏi, kỳ vọng vào cuộc cải cách đầy thách thức này.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải coi bước chuyển giao này là cuộc cách mạng đối với lĩnh vực GDNN chứ không phải cải cách “lắt nhắt”. Và để trấn an lo lắng, bất an của các trường nghề thuộc Bộ GD-ĐT, tại Hội nghị “Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” tổ chức ở TPHCM mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng “Việc chuyển giao này chỉ có thuận lợi hơn chứ không phải gây khó khăn”. Như thế, ngành LĐTB-XH các địa phương cần có kế hoạch tiếp nhận, quản lý những “đứa con mới” sao cho thuận hòa, suôn sẻ và tránh xáo trộn về tâm lý cho các trường.

Điều đáng bàn ở đây là với trọng trách quản lý số lượng gần 2.000 cơ sở dạy nghề phủ khắp cả nước, ngành LĐTB-XH sẽ làm gì để “xốc lại” mạng lưới GDNN trước yêu cầu hội nhập, phát triển và mệnh lệnh sống còn là đổi mới hay là chết?

Trước bài toán nan giải: tuyển sinh dạy nghề èo uột, chật vật, trong đó nhiều trường nghề được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng thoi thóp, chết yểu vì thiếu vắng người học, thì yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng GDNN là đòi hỏi cấp bách. Theo đó, hệ thống dạy nghề cần phải “xốc lại” và quản lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng về kỹ năng nghề, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường lao động, doanh nghiệp đón nhận.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn thu hút người học thì các trường phải trả lời được 2 yêu cầu là người học học xong ra trường có việc làm không và sau này có tiếp tục học liên thông lên được nữa không? Chìa khóa để đào tạo nghề thành công chính là gắn kết với doanh nghiệp và các trường phải tự chủ. Muốn tự chủ thành công thì tùy thuộc vào bản lĩnh và cách làm của người đứng đầu đơn vị đó.

Thực tế cho thấy, sự buông lỏng, chồng chéo về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề suốt nhiều thập kỷ qua đã tạo ra nhiều hệ lụy khó khắc phục. Đó là trường nghề, trung tâm dạy nghề mọc ra như nấm, đào tạo tràn lan nhưng mục tiêu phổ cập nghề ngắn hạn, trang bị nghề nghiệp bài bản cho thanh niên, giới trẻ, nhất là khu vực nông thôn mang lại hiệu quả thấp. Hơn nữa, cơ chế đầu tư cào bằng cũng là nguyên nhân khiến cho trường nghề tụt hậu, khó bứt phá vươn lên, vì trường có năng lực tuyển sinh cao cũng không được ưu tiên hơn trường tuyển sinh thấp. Mổ xẻ bức tranh chung về GDNN, dễ nhận thấy trường dạy nghề đông về số lượng nhưng cơ sở có thương hiệu, uy tín - được coi là địa chỉ tin cậy gửi gắm tương lai nghề nghiệp của giới trẻ lại không nhiều. Chính vì thế, ngay sau cuộc chuyển giao mang tính cách mạng về dạy nghề này, Bộ LĐTB-XH phải sớm ban hành quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN.

Theo các chuyên gia dạy nghề, cần phải thay đổi tư duy và chọn phương thức đầu tư cho dạy nghề dựa trên uy tín, năng lực đào tạo và đảm bảo chuẩn sản phẩm đầu ra. Ngoài chiến lược giảm đầu mối đào tạo ngành nghề trùng lắp và tràn lan gây lãng phí cho xã hội, người học, các địa phương phải kiên quyết “khai tử” những cơ sở đào tạo kém hiệu quả.

Để khuyến khích học sinh, giới trẻ có niềm tin vào hướng nghiệp học nghề, ngoài có chính sách đồng bộ đầu tư cho dạy nghề, các cơ quan chức năng cần thay đổi chính sách lương, cải tổ hệ thống thang bảng lương phù hợp với năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề… của người lao động. Sự tôn vinh người thợ, kỹ thuật viên giỏi nghề kèm theo chính sách trả lương tương xứng với giá trị lao động chắc chắn sẽ thúc đẩy học sinh chọn lựa học nghề một cách tự nhiên.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục