Xóm biển nghèo đón 5 ngư dân trở về từ “cõi chết”

Nhận được tin các ngư dân sống sót trở về (dù không phải là tất cả) là niềm vui khôn tả với gia đình, hàng xóm của họ. Cảm giác vui buồn đan xen lẫn lộn ở làng biển. Với họ, sự trở về của các ngư dân như một câu chuyện cổ tích.

Chiều 24-7, sau khi được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức bàn giao, 5 ngư dân tàu cá BTh 97478TS bị chìm hôm 10-7 đã được đoàn của UBND TP Phan Thiết và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đưa về nhà an toàn. 

Người dân xóm biển Văn Thánh (phường Phú Tài, TP Phan Thiết) lại một lần nữa không kìm được giọt nước mắt hạnh phúc đón các thuyền viên từ “cõi chết” trở về (trước đó, ngày 19-7, 4 ngư dân cùng trên tàu BTh 97478TS đã được cứu sống và trở về nhà an toàn).

Hạnh phúc vỡ òa

Thoát nạn sau 12 ngày bám thuyền thúng lênh đênh trên biển, vẻ mặt ai cũng căng thẳng, mệt mỏi. Nhận được tin các ngư dân sống sót trở về (dù không phải là tất cả) là niềm vui khôn tả với gia đình, hàng xóm của họ. Cảm giác vui buồn đan xen lẫn lộn ở làng biển. Với họ, sự trở về của các ngư dân như một câu chuyện cổ tích.

Khi thuyền trưởng Bùi Văn Toàn vừa bước tới nhà, người vợ là bà Trần Thị Phượng chạy lại ôm chầm rồi bật khóc. Do mới trải qua ca phẫu thuật nên bà Phượng không thể đi đón chồng mình. “Tôi từng nghĩ tới chuyện lập bàn thờ vọng cho anh nhưng giờ đây anh đã trở về bằng da, bằng thịt. Điều hạnh phúc này không thể nào diễn tả bằng lời”, bà Phượng xúc động.

Xóm biển nghèo đón 5 ngư dân trở về từ “cõi chết” ảnh 1 Vợ ông Bùi Văn Toàn, thuyền trưởng tàu cá bị chìm, ôm chầm lấy chồng khóc nức nở trong ngày đoàn tụ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Trái ngược với niềm hạnh phúc trọn vẹn của gia đình ông Toàn, dù từ “cõi chết” trở về nhưng anh Nguyễn Thành La vĩnh viễn mất đi 2 người thân trong gia đình. Chuyến đi biển định mệnh này gia đình anh La có 4 người trong gia đình, dòng họ tham gia. Thế nhưng, ngày trở về chỉ còn có anh La cùng một người nữa là anh Luyến, họ đã vĩnh viễn mất đi người chú và người anh trai do không chịu được đói khát đã tử vong và phải bỏ xác trên biển.

Được trở về bên vòng tay của người thân, anh La thắp nén nhang tưởng nhớ đến người anh của mình rồi bật khóc nức nở. “Việc tôi được cứu sống trở về giống như được sinh ra một lần nữa. Vậy nhưng, tôi quá đau xót khi chứng kiến những người thân của mình ra đi mãi mãi”, anh La chia sẻ.

Thức trắng nhiều ngày mong ngóng tin, bà Nguyễn Thị Hòa lao tới ôm chồng là ông Nguyễn Văn Mỹ khi ông trở về. Hai mắt đỏ hoe, người run rẩy, giọng bà nghèn nghẹn rồi chằm chằm vào các vết thương của chồng do bị lở loét. Khuôn mặt khắc khổ, bà Hòa cho biết, khi nghe chồng bị nạn, cả nhà “đứng ngồi không yên”.

Người vợ chỉ biết cầu nguyện, mong chồng và bạn thuyền bình an, song trải qua nhiều ngày không nhận được tin, gia đình ai cũng buông xuôi, nghĩ tới tình huống xấu nhất. “Ở nhà, tôi đã lập bàn thờ nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, chồng vẫn còn sống, tôi chỉ biết mừng rỡ”, bà Hòa bật khóc.

Uống nước mưa, ăn rong biển để sinh tồn

Vẻ mặt tiều tụy, đôi mắt trũng sâu, đi lại phải có người dìu, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn kể lại, ngày 10-7, tàu của ông có 15 người đánh bắt hải sản, trên đường trở về thì gặp dông gió rồi bị chìm. Là thuyền trưởng, ông Toàn phải đưa ra quyết định khó khăn nhất của cuộc đời, đó là chia 15 người thành hai nhóm, lên hai thuyền thúng. Một bên 7 thành viên, còn ông trên chiếc thúng có 8 người.

Những ngày đầu trôi dạt, 2 chiếc thuyền thúng còn nhìn thấy nhau nhưng sau đó họ phó mặc cho sóng gió rồi xa nhau mất hút. Trong tình cảnh đói, khát, họ đành uống nước biển để bớt khô họng, vớt rong để ăn và hứng nước mưa chắt chiu, chia nhau từng ngụm uống.

Từng là người gặp nạn khi đi biển, ông Toàn nói những lúc “ngàn cân treo sợi tóc” cần phải bình tĩnh, phải biết trấn an tinh thần mọi người để vượt qua hoạn nạn. Vào năm 2014, tàu do ông Toàn làm thuyền trưởng cũng bị sóng đánh chìm ở vùng biển Kê Gà (tỉnh Bình Thuận), sau đó, bằng ý chí, nghị lực, nhiều thuyền viên, trong đó có ông Toàn được cứu.

Xóm biển nghèo đón 5 ngư dân trở về từ “cõi chết” ảnh 2 Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn hạnh phúc được trở về bên gia đình

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Mỹ, thuyền viên lớn tuổi nhất trên con tàu gặp nạn bảo, nhờ kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển ông mới duy trì được sự sống. Giữa biển mênh mông, thuyền thúng có 8 người 4 lần lật úp, hất mọi người xuống biển nhưng ai cũng cố ngoi lên, bởi còn sức nên ráng bám trụ. Ông Mỹ nhớ lại, trước thời điểm được cứu 3 ngày, 3 người trên thúng kiệt sức nên tử vong, trong đó có cháu họ và chú họ của ông. Cả nhóm đành thả xác xuống biển.

Rồi ông cùng thuyền trưởng Toàn liên tục động viên các thuyền viên khác không được hoảng loạn. Khi vài người thiếp đi, các đồng nghiệp kế bên phải vỗ dậy. Nhiều lúc cả ba cũng muốn buông tay như những người trước đó nhưng họ cố động viên nhau chờ được cứu.

Và rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau 12 ngày bám trụ trên chiếc thuyền thúng, 5 người còn lại đã được một tàu vận tải của nước ngoài cứu sống rồi bàn giao cho cơ quan chức năng của Việt Nam.

Riêng đối với số phận của 7 thuyền viên trên chiếc thuyền thúng còn lại, 4 người cũng đã vượt qua khó khăn để rồi được một tàu cá tỉnh Bình Định cứu sống và trở nhà bình an vào ngày 21-7.

2 lần thoát chết từ biển trở về, trong ánh mắt của thuyền trưởng Toàn vẫn hắt lên những hy vọng. “Sau lần này tôi muốn nghỉ ngơi một thời gian, khi tinh thần ổn định hẳn sẽ quay trở lại với biển chớ không bỏ biển, vì đó là nghề nuôi sống cả gia đình”, ông Toàn cho biết.

Với anh Nguyễn Thành La cũng thế, dù lần đi biển này đã cướp đi sinh mạng của 2 người thân trong gia đình nhưng anh sẽ không bỏ biển. “Dẫu biết nghề biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng đó là cuộc sống nên mình phải biết gạt nước mắt để đứng lên. Bởi, sau mình là cuộc sống gia đình, người thân nên dù thế nào vẫn phải bám biển”, anh La bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục