Xóm lư An Hội xưa

Nhắc đến lư đồng, người Sài thành sẽ nhớ đến một lò lư trăm năm danh tiếng đến nay vẫn ngày đêm đỏ lửa - xóm lư đồng An Hội. Hiện nay, cái tên An Hội chỉ còn trong ký ức của người làm nghề, thay vào đó người ta gọi xóm lư đồng Gò Vấp. Và rồi, mai này sẽ còn những thay đổi nào nữa của làng nghề? Không ai biết, chỉ biết vẫn còn những nghệ nhân đau đáu và tâm huyết giữ gìn nếp sống làng nghề Sài Gòn xưa.
Xóm lư An Hội xưa

Nhắc đến lư đồng, người Sài thành sẽ nhớ đến một lò lư trăm năm danh tiếng đến nay vẫn ngày đêm đỏ lửa - xóm lư đồng An Hội. Hiện nay, cái tên An Hội chỉ còn trong ký ức của người làm nghề, thay vào đó người ta gọi xóm lư đồng Gò Vấp. Và rồi, mai này sẽ còn những thay đổi nào nữa của làng nghề? Không ai biết, chỉ biết vẫn còn những nghệ nhân đau đáu và tâm huyết giữ gìn nếp sống làng nghề Sài Gòn xưa.

        Nghề của tính kiên nhẫn

Ghé xóm lư vào buổi chiều những ngày cuối năm, dù một số thợ đã về nhưng không khí làm việc vẫn rộn rã. Dọc đường Quang Trung, các lò lư luôn rực lửa. Thợ việc chăm chỉ hàn giũa, cạnh máy tiện, ép khuôn, đánh bóng sản phẩm; các chị thợ cần mẫn ngồi nặn đất sáp, bịt đất giấy bằng tro và đất sét. Ai cũng ráng làm thật nhanh tay để kịp hàng giao tết.

Theo lời kể của “già làng” Trần Văn Thắng, chủ cơ sở Hai Thắng (đường Quang Trung, khu phố 6, phường 12, quận Gò Vấp), người có công học nghề đúc lư đồng ở Chợ Quán rồi truyền lại cho con cháu là ông Trần Văn Kỉnh. Hồi đó, ông Kỉnh chỉ truyền nghề lại cho con cháu trong dòng họ.

Ông Hai Thắng là đệ tử ruột của ông Kỉnh sau đó đã truyền dạy lại nghề cho con em trong vùng để phát triển làng nghề. Từ đó đến nay, làng nghề đã trải qua 5 thế hệ cha truyền con nối.

Hơn trăm năm qua, từ một làng lư An Hội đất đai rộng rãi có đến 40 - 50 lò lư, người người làm lư, nhà nhà làm lư đã tạo danh tiếng cho cả làng nghề. Và cũng trăm năm ấy, lắm lúc kinh tế khó khăn, đất đai bị thu hẹp, giá đồng lên xuống thất thường, ngành lư đồng bị gián đoạn, nhiều cơ sở không bán được hàng, làng nghề tưởng như mai một dần. Nhưng những nghệ nhân tâm huyết và bà con xóm lư vẫn quyết giữ nghề.

Ông Hai Thắng trầm ngâm: “Trước kia, làng nghề lúc nào cũng đỏ lửa, giờ nhiều lò đã chuyển đổi nghề nghiệp, chỉ còn lại có 5 lò còn hoạt động. Đó là do yêu nghề, không thể dứt bỏ một nghề đã có trên 100 năm tuổi”. Hiện tại làng nghề chỉ còn 5 cơ sở sản xuất: Hai Thắng, Ba Cồ, Năm Tòn, Sáu Bảnh, Út Kiển tập trung chủ yếu trên đường Quang Trung, Phan Huy Ích... thuộc phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM.

Ông Hai Thắng bên sản phẩm lư đồng.

Ông Hai Thắng bên sản phẩm lư đồng.

“Đây là một nghề thủ công rất cầu kỳ, khá vất vả, phải trải qua 10 công đoạn mới hoàn thành một bộ lư hoàn chỉnh”, bà Phạm Thị Liên, chủ lò Ba Cồ (110/5 đường Quang Trung, khu phố 6, phường 12, quận Gò Vấp) cho biết. Ban đầu là khâu làm cốt bằng đất sét, làm khuôn đất ruột bên ngoài. Tiếp theo làm khuôn mẫu sáp đèn cầy, sản phẩm đẹp hay xấu là do khâu này. Khâu thứ ba là làm khuôn đất bên ngoài, gồm 2 lớp đất: lớp thứ nhất làm bằng tro trấu (giã thật nhuyễn trộn với đất sét, làm cho đồng có độ láng); lớp thứ hai đất sét trộn với vỏ trấu, giữ chắc cho khuôn khi đổ đồng vào không bị vỡ.

Tiếp đó là khâu đổ đồng, khâu này phải kết hợp song song 2 lò: lò đồng nấu thành nước và lò nung khuôn đất. Nhiệt độ lúc này khoảng 1.400 độ. Đất sét để làm lư phải mua từ Bình Dương đất không trộn lẫn cát, sỏi vì nếu có, khi nung lửa lên sẽ bể hết.

Các công đoạn còn lại: làm nguội, hàn, chạm và đánh bóng… tất cả hầu như được làm thủ công nên đòi hỏi người thợ phải kiên trì và tỉ mỉ. Công đoạn làm khuôn sáp được xem là khó nhất vì không có mẫu sẵn, phải tùy theo yêu cầu của khách hàng. Mất nửa tháng mới ra một mẻ lư thành phẩm, mỗi lần khoảng 50 - 70 bộ lư đồng.

“Màu đồng phải vàng đỏ mới đẹp chứ màu đồng xanh xanh, trắng trắng là lư chưa đạt yêu cầu”, ông Hai Thắng chỉ vào mấy bộ lư bày ở cửa tiệm nói. Tố chất để làm được nghề này, theo ông Thắng quan trọng nhất là năng khiếu, sự kiên trì, nhẫn nại. Khi khách hàng đưa mẫu mã, hình dạng thì người thợ phải kiên trì làm để ra sản phẩm đúng yêu cầu.

Tùy giá trị mà mỗi bộ lư có giá tiền khác nhau, lư thường giá từ 3 - 5 triệu đồng, lư đặc biệt khoảng 8 - 12 triệu đồng. Từ đây, những chiếc lư An Hội đi khắp nơi, chủ yếu các đại lý ở Bảy Hiền, Chợ Lớn, miền Tây, miền Trung…

        Quyết tâm giữ nghề

Nghề làm lư rất cực, kinh tế khó khăn, các cơ sở sản xuất muốn phát triển phải có mặt bằng và so với các ngành nghề khác kinh tế không bằng nên nhiều người trong làng nản, muốn bỏ nghề. Thế nhưng, cái nghiệp và lòng yêu nghề đã giúp họ bám nghề đến tận bây giờ. Tuy vậy, chỉ làm lư thôi thì kinh tế không vững được. Đa số những nhà làm lư phải kinh doanh một số ngành nghề như mở quán phở gà, mở hãng nước đá…

Theo cô Liên, năm 2005 nguyên liệu tăng đột biến đội giá bán hàng lên, lư ế không bán được, các lò bị ngưng trệ sản xuất. Lò lư Ba Cồ của gia đình cô phải mở quán phở gà bên cạnh nhà để cầm cự và nuôi thợ trong những ngày không bán được hàng. “Đến khi không còn người mua nữa thì mình mới nghỉ, còn người mua sẽ còn cố gắng theo nghề”, sự tâm huyết hiện rõ trong ánh mắt và lời nói của cô.

Anh Trần Cao Trí, 29 tuổi, con trai cô Liên cũng theo nghiệp của gia đình. Với anh, theo nghề chỉ đơn giản thấy thích, nhìn riết quen nghề. Từ 17 tuổi, anh đã theo nghiệp ba mẹ tập tành làm lư và buôn bán. Với anh, nghề này rất vất vả, đòi hỏi yếu tố tay nghề là chính, để cứng nghề phải mất 3 - 4 năm. “Tôi sẽ tiếp tục duy trì phát triển và tìm hướng tốt nhất để tạo ra sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn nhằm phát triển làng nghề”, anh chia sẻ.

Dù chỉ làm công việc nhào nặn, cô Lê Thị Cẩm đã gắn bó ở xưởng Ba Cồ gần 18 năm nay. Cô tâm sự: “Giờ con gái trong làng đi học, đi làm công nhân hết. Cô làm nghề này cực lắm, xách đất, ngồi nhào nặn cả ngày mệt nhưng làm quen rồi thì yêu luôn. Giờ làm chừng nào hết nổi thì thôi”.

Mỗi lò lư ở xóm An Hội xưa và Gò Vấp ngày nay đều rất yêu nghề. Họ tâm huyết và hạnh phúc với những gì nghề lư mang lại. Đôi khi, chỉ giản đơn là câu nói của khách đến mua lư dịp tết làm ông Hai Thắng hạnh phúc và vui sướng không gì bằng: “Năm trước, nhà tui mua bộ lư của ông về làm ăn hên quá nên năm nay tới mua bộ nữa”.

VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục