Xóm nghèo chạy sóng

Xóm “nhà chồ”
Xóm nghèo chạy sóng

Dọc bờ biển miền Trung có nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu nghỉ dưỡng lý tưởng, nhưng ở đó còn có những xóm “nhà chồ”, nhà tạm, ngày ngày lo biển cuốn. Giấc mơ an cư vẫn là câu chuyện dài. Năm nay, mùa mưa bão đang kề cận, hàng ngàn người dân ở đây lại trong tư thế sẵn sàng chạy sóng...

Những căn “nhà chồ” mong manh trước sóng biển.

Những căn “nhà chồ” mong manh trước sóng biển.

Xóm “nhà chồ”

Nằm ngay trên trục đường sầm uất và đẹp nhất miền Trung - đường Trần Phú, TP Nha Trang, Khánh Hòa, nhưng cả gần trăm hộ dân với trên 350 khẩu thuộc khóm dân cư Tây Hải, phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang) nơm nớp lo mỗi khi biển động, mùa mưa bão đến gần... Những xóm “nhà chồ” đã tồn tại cả mấy chục năm qua, dù thành phố biển Nha Trang đang từng bước tiến đến đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương.

Đến khóm Tây Hải những ngày này, biển đang động, gió bấc mạnh dần lên, những cơn sóng quá đầu người liên tục chồm vào bờ, đe dọa những căn nhà tạm. Ngồi bó gối trong nhà, bà Lê Thị Lan (56 tuổi) nói vọng: “Sóng thế này ăn thua gì chú, mùa mưa bão chú xuống đây mà xem, sóng vượt qua nóc nhà”. Bà Lan cho biết, gia đình bà sống ở đây đã 3 đời, nghề nghiệp chính là bám biển, mưu sinh nhờ biển. Đã thành tập quán, ngư dân thường ít quan tâm đến chuyện làm nhà kiên cố, chỉ dựng nhà tạm, miễn sao có chỗ che mưa, che nắng... Vì thế, sống ở đây cả mấy chục năm, chẳng ai đoái hoài đến chuyện kiếm cho mình một mảnh đất cắm dùi.

Những căn “nhà chồ” mọc lên ven biển Nha Trang từ bao giờ chẳng ai biết. Chỉ biết “nhà chồ” liên tục bị sóng cuốn ra biển. Năm nào cũng đánh vật với việc dựng lại nhà sau bão. Bà Nguyễn Thị Lượng (50 tuổi) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 10 đến tháng 12 là cả xóm “chồ” trong tư thế chạy sóng, vì biết trước sau gì nhà cửa cũng bị đánh sập. Năm chạy ít cũng 1 tháng, nhiều thì 2 tháng. Thời gian này phải mướn nhà trọ, tốn kém vô cùng”.

Đi dọc theo mép biển Nha Trang, hình ảnh những căn nhà nhô ra biển như những tổ chim, có nhiều cọc cắm xuống biển để làm trụ; sàn bằng gỗ, thưng phên xung quanh, liên kết bằng cách đóng đinh hay buộc dây. Qua thời gian, nhiều trụ gỗ đã mục, xiêu vẹo. Mỗi nhà chỉ rộng khoảng 40m2, nhưng có khi cả 3 - 4 thế hệ sinh sống, với cả chục con người. Anh Lực, một ngư dân tâm sự: “Sợ nhất là sóng đánh sập nhà. Hàng đêm, cả gia đình dồn cả trên cái tổ chim đong đưa trước biển, phía dưới, miệng hà bá luôn chực chờ”. Nói rồi, anh Lực thu dọn đồ đạc vào mấy cái bao to, chuẩn bị tư thế sẵn sàng chạy sóng.

Biển lấn

Dân ở phường Đức Long, TP Phan Thiết (Bình Thuận) cũng khổ vì năm nào ở đây cũng xảy ra nạn biển xâm thực. Ông Nguyễn Xuân Tình, một hộ dân sống tại khu phố 5, khu phố chịu nặng nề nhất do biển xâm thực tại phường Đức Long cho biết: Sống ở đây đã gần trọn đời người và việc chuyển nhà, cất nhà mới, bỏ nhà cũ... của gia đình tôi và chòm xóm là chuyện thường xuyên. Vì hàng năm, biển cứ lấn vào, không ai nhớ nổi căn nhà đầu tiên của mình ở vị trí nào, giờ đã là biển...

Ông Nguyễn Bá Huề, Trưởng ban điều hành khu phố 5 cho biết: Trước 2008, triều cường có dâng nhưng ít gây thiệt hại. Đến năm 2008, triều cường nuốt chửng 86 căn nhà, trong đó có căn trị giá hàng trăm triệu đồng. Năm 2009, triều cường có lắng xuống, nhưng đến năm 2010 lại 68 căn bị sóng đánh sập hoàn toàn. Hàng trăm người dân không chỗ ở, phải sống nương nhờ hoặc thuê nhà trọ, thế là bao tích góp bấy lâu lại đi theo nhà. 

Mong an cư

Với ngư dân miền biển, 12 tháng trong năm chỉ có 8 tháng làm biển, thời gian còn lại biển động nên không làm gì được, số tiền dư giả mấy tháng làm biển đủ sống tạm qua mùa biển động. Ấy vậy mà họ còn phải chịu một khoản không nhỏ để sửa sang lại nhà cửa khi mùa sóng lớn đi qua. Vì thế, mong muốn của người dân sống ven biển bây giờ là được an cư. Ông Bảy Ngư năm nay đã tròn 70 tuổi, có hơn 50 năm làm nghề biển nhưng tài sản của ông sau chừng ấy thời gian lam lũ chỉ có căn “nhà chồ” leo lắt trước sóng biển, nơi đang có 3 thế hệ đang sinh sống.

“Dân đây toàn người nghèo. Đàn ông thì buông lưới, đi câu ven bờ, trước đây ít người, biển còn lắm cá nên kiếm được kha khá. Nay làm ăn ngày càng kém, nên giấc mơ đổi đời, mua đất làm nhà... chỉ là giấc mơ. Mong chính quyền tạo điều kiện cho tái định cư, không cần đất rộng, nhà cao, miễn là chỗ ở gần biển để bà con sinh sống. Chứ suốt đời chạy sóng thì biết khi nào thoát khổ” - ông Bảy Ngư bày tỏ.

Ông Dương Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên TP Nha Trang cho biết: Đời sống vất vả, thiếu thốn của người dân khóm Tây Hải ai thấy cũng xót. Nhưng địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc kiến nghị lên thành phố, tìm giải pháp giúp đỡ bà con. Được biết, trong kế hoạch phát triển TP Nha Trang trở thành đô thị loại 1 vào năm 2015, có nội dung di dời dân ở khu Tây Hải. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, đây chỉ mới là kế hoạch, chứ chưa biết khi nào thực hiện, vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhất là kinh phí.

Ở phường Đức Long, TP Phan Thiết, phương án tái định cư cho dân trong vùng đã được tỉnh thông qua, tuy vậy, thành phố cho biết hiện chưa có quỹ đất. Mới đây, tỉnh đầu tư xây dựng kè chắn sóng, nhưng dự án này triển khai quá chậm, kế hoạch hoàn thành vào đầu năm 2012 sẽ không đạt, vì đến nay mới được 1/3 khối lượng công việc.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục