Xông đất doanh nghiệp đầu xuân Quý Tỵ - Tìm cơ hội trong khó khăn

Hầu hết doanh nghiệp (DN) đều nhận định còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm Quý Tỵ. Tuy nhiên, “tìm trong thách thức có cơ hội của mình” là quyết tâm của các DN để triển khai công việc ngay từ đầu xuân.
Xông đất doanh nghiệp đầu xuân Quý Tỵ - Tìm cơ hội trong khó khăn

Hầu hết doanh nghiệp (DN) đều nhận định còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm Quý Tỵ. Tuy nhiên, “tìm trong thách thức có cơ hội của mình” là quyết tâm của các DN để triển khai công việc ngay từ đầu xuân.

  • Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen: Xây dựng thương hiệu mạnh

Bên cạnh những chuyển động tích cực của năm 2012 như lạm phát giảm, lãi suất giảm, giá vốn cho DN giảm, chúng ta vẫn còn yếu về nhu cầu, sức mua. Vấn đề ở đây là qua giai đoạn khó khăn này, chúng ta cần phải rút ra được những bài học về thị trường tiêu thụ và bản thân DN phải thoát khỏi những tham vọng đầu tư dàn trải, tập trung vào năng lực cốt lõi của mình, bảo đảm có một tình hình tài chính vững mạnh là điều kiện cơ bản để vượt qua khó khăn. Chúng tôi phải tiếp tục đầu tư, đặc biệt xây dựng thương hiệu mạnh, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trong khu vực và toàn cầu.

  • Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Liksin: Tìm cơ hội mới để đầu tư

Trong năm mới sẽ có nhiều cơ hội lẫn thách thức. Vấn đề là các DN phải biết tìm trong khó khăn có cơ hội của mình. Đối với vấn đề vĩ mô, Chính phủ cần điều hành linh hoạt, tránh xảy ra tình trạng rủi ro chính sách do thay đổi liên tục như thời gian vừa qua. Những vấn đề nào cần siết chặt hay gỡ bỏ nên xem xét có hệ thống trước khi ban hành chính sách để tránh tác động xấu đến kinh tế - xã hội. Trong năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành NQ 01, NQ 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN. Đây là những chính sách hợp lý, cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế phát triển, dẫu rằng độ trễ của chính sách cần phải có thời gian. Nếu chính sách này đi vào cuộc sống, Chính phủ xử lý tốt các vấn đề như tồn kho bất động sản, nợ xấu... mọi việc sẽ trở nên sáng sủa và cơ hội phục hồi nên kinh tế sẽ tốt hơn.

  • Ông Bùi Ngọc Quới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Savimex: Cần thêm chính sách đột phá

Trước đây chúng ta còn nhiều chính sách ưu đãi, giá nhân công rẻ nên thu hút được các nhà đầu tư. Đến nay, khi những ưu đãi không còn, nhiều nhà đầu tư rút lui, đầu tư vào thị trường khác, dẫn đến khách hàng cũng bị kéo theo. Trước tình hình này, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, đột phá để giữ chân nhà đầu tư cũng như khách hàng của họ.

Về phía DN, cần lưu ý năng lực sản xuất, giá cả và đặc biệt là chất lượng. Dù đến thời điểm này, Savimex đã có đủ đơn hàng và chạy hết các công suất của nhà máy, nhưng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác nhiều đơn hàng từ các thị trường đa dạng trong thời gian tới.

  • Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS): Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu

Theo dự báo, năm nay nền kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí ở nhiều mặt còn khó khăn hơn cả năm 2012. Do đó, DN cần phải tính đến chuyện vừa tăng trưởng, phát triển, vừa phải có những giải pháp thích nghi với các điều kiện, chính sách, các rào cản kỹ thuật của các quốc gia để tăng cường xuất khẩu, góp phần cân đối cán cân thương mại quốc gia. Riêng đối với CNS, sẽ phối hợp sâu sát với các đơn vị thành viên để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 là tái cơ cấu DN, sắp xếp lại toàn bộ hoạt động và cơ cấu vốn, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư. Trong năm vừa qua, CNS đã tập trung nguồn lực thành lập mới và đi vào hoạt động 6 đơn vị với tổng số vốn đầu tư thực hiện 171 tỷ đồng góp phần phát triển và tăng giá trị gia tăng các dòng sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất, năng lượng mới...

  • Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina: Cơ hội cho người thu nhập thấp

Đối với lãi suất, dù Chính phủ đã có một số điều chỉnh về lãi suất cho vay, nhưng các DN vẫn đang phải trả mức lãi suất vay vốn cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tình trạng này khiến các DN muốn mở rộng đầu tư và tăng năng lực sản xuất phải dựa chủ yếu vào nguồn vốn tự có và lợi nhuận tích lũy. Tuy nhiên, với mức thuế thu nhập DN cao như hiện nay, các DN vừa và nhỏ không có khả năng dành lợi nhuận tích lũy để tái đầu tư. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm thực hiện các giải pháp giảm lãi suất cho vay và kiến nghị Quốc hội giảm thuế thu nhập DN cho các DN vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động.

Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét khoản vay ưu đãi, tạo điều kiện cho DN xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên... 

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục