Liên tiếp trong 2 ngày cuối cùng của năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì 2 cuộc họp quan trọng: họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2014 và hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 với tất cả các địa phương. Ở cả 2 cuộc họp này, Chính phủ đều nhấn mạnh thông điệp năm 2015 phải thật sự tạo được chuyển biến trong cải thiện môi trường kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh. “Cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn, người đứng đầu cơ quan nào không làm được thì “mời làm việc khác”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tại 2 cuộc họp này. Sở dĩ có thông điệp rõ ràng, quyết liệt như vậy vì năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và cũng là năm có nhiều sự kiện lớn, năm tiến hành đại hội Đảng các cấp. Vì vậy tinh thần chung là phải phấn đấu quyết liệt, nỗ lực nhất để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Cho đến thời điểm này, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ra đời được hơn 9 tháng, nhưng Chính phủ đã 2 lần kiểm điểm kết quả thực hiện nghị quyết này. So với yêu cầu của thực tiễn cũng như mục tiêu phát triển thì kết quả còn quá khiêm tốn. Thậm chí, như lo ngại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kết quả đó vẫn đang nằm trên giấy và doanh nghiệp, người dân chưa được hưởng lợi một cách thật sự. Đó là lý do mà Bộ KH-ĐT kiến nghị, trong năm 2015 cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, nhất quán và triệt để Nghị quyết số 19, bảo đảm đến hết năm 2015, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng theo Ngân hàng Thế giới (WB) tối thiểu bằng trung bình ASEAN-6.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, bên cạnh việc củng cố các kết quả cải cách trong những lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, khởi sự kinh doanh… mà vừa qua cải cách đã đạt được, cần tập trung thực hiện cải cách các chỉ số về thực thi hợp đồng, thủ tục phá sản doanh nghiệp và cấp phép xây dựng. “Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai cần thực hiện ngay là rà soát thủ tục kiểm tra, quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu - vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Cùng với đó, tiến hành rà soát danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện tương ứng, theo hướng chỉ giữ lại những điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết và triệt để chủ trương “quản lý Nhà nước là để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nêu rõ.
Về phía các địa phương, như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị, cần có những cải cách thông thoáng hơn về cơ chế chính sách từ thuế, đất đai, hỗ trợ khoa học công nghệ... “thoáng” hơn để đáp ứng thực tiễn nhanh hơn trong quá trình nâng cao sức cạnh tranh. Để thông thoáng chắc chắn sẽ phải chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Đó là lý do mà nhiều ý kiến lo ngại, đề nghị thận trọng với chủ trương này, bởi có thể thông thoáng quá cũng dễ nảy sinh sai phạm. Nhưng như Thủ tướng đã nêu rõ, không thể chỉ vì một số ít doanh nghiệp vi phạm mà quay lại bắt “tiền kiểm” với tất cả. Như vậy là gây khó, gây khổ cho đa số chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. “Vấn đề là hậu kiểm cho tốt, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Như vậy, xuyên suốt từ đầu đến cuối, thông điệp phải cải cách thật sự nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ rất nhấn mạnh. Đó cũng là quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, là trông đợi của doanh nghiệp, nhân dân. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương, từng đơn vị sẽ thực hiện đến đâu để thật sự có hiệu quả. Trong đó, một điều rất quan trọng là việc thực thi của cán bộ. Vì như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đơn cử, “hàng hóa trong luồng xanh hải quan chỉ mất 3 giây, nhưng cán bộ không chịu làm thì doanh nghiệp cũng chịu”. Thực tiễn những năm qua cho thấy, cơ chế chính sách như nhau, nhưng địa phương nào, đơn vị nào, ngành nào mà quan tâm đến việc này thì chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều việc về tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 đột phát chiến lược. Nếu chúng ta làm quyết liệt sẽ có kết quả cụ thể. Ai cũng phải vào cuộc quyết liệt với tinh thần xông vào việc, chắc chắn hiệu quả sẽ rõ rệt và tạo được chuyển biến đột phá trong năm 2015.
Trong năm 2014, bài học về việc TPHCM chủ động, quyết liệt đề nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ khó khăn về giải quyết người nghiện ma túy lang thang; hay Bộ Tài chính chỉ ban hành 1 thông tư thôi, sửa 7 thông tư đã giảm được 200 giờ nộp thuế 1 năm của 1 doanh nghiệp... đã minh chứng rõ điều này. Nếu bộ máy với tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp bằng hành động và việc làm cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực mà nhân dân đang gặp khó khăn, vướng mắc thì nhất định sẽ chuyển biến được tình hình.
PHAN THẢO