Xử lý doanh nghiệp vi phạm về BHXH: Từng bước gỡ vướng

Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hóc Môn (TPHCM) đưa ra xét xử 931 vụ kiện đòi tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) tại một doanh nghiệp (chủ là người nước ngoài, đã bỏ trốn). Tổ chức công đoàn tại địa phương tham gia tố tụng với tư cách bên nhận ủy quyền từ nguyên đơn - công nhân. Khi công nhân tập trung tại trụ sở công ty, tòa án, Phòng LĐTB-XH huyện cùng nhiều ban ngành liên quan nhanh chóng “tỏa quân” xuống hiện trường, mang theo nhiều loại thiết bị cần sử dụng, giấy tờ có liên quan.
Xử lý doanh nghiệp vi phạm về BHXH: Từng bước gỡ vướng

Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hóc Môn (TPHCM) đưa ra xét xử 931 vụ kiện đòi tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) tại một doanh nghiệp (chủ là người nước ngoài, đã bỏ trốn). Tổ chức công đoàn tại địa phương tham gia tố tụng với tư cách bên nhận ủy quyền từ nguyên đơn - công nhân. Khi công nhân tập trung tại trụ sở công ty, tòa án, Phòng LĐTB-XH huyện cùng nhiều ban ngành liên quan nhanh chóng “tỏa quân” xuống hiện trường, mang theo nhiều loại thiết bị cần sử dụng, giấy tờ có liên quan.

Quy trình trôi chảy khi các bên làm việc ăn ý

Ngay tại trụ sở công ty, các cơ quan soạn thảo và in tại chỗ hàng ngàn đơn ủy quyền, đơn khởi kiện. Công nhân mong muốn khởi kiện nhận giấy tờ, hướng dẫn làm thủ tục ủy quyền, khởi kiện ngay tại chỗ. Cán bộ xã cũng được huy động ngồi đóng mộc, xác nhận chữ ký. TAND huyện thụ lý ngay 931 vụ án. Thủ tục ủy quyền kịp thời nên tổ chức công đoàn tham gia ngay từ quá trình hòa giải, sau đó ra tòa. TAND huyện Hóc Môn nhanh chóng đưa 931 vụ án ra xét xử. “Khi mọi quy trình đi vào nề nếp, các ban ngành làm việc ăn ý, nhịp nhàng thì 100 hay 1.000 công nhân khởi kiện đều không là vấn đề”, ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh tòa Lao động, TAND TPHCM, khẳng định.

Liên quan đến việc khởi kiện doanh nghiệp (DN) sai phạm về BHXH theo quy định mới, ông Nguyễn Thành Vinh lưu ý Thông tư 105 hướng dẫn thi hành Luật BHXH ghi rõ khi người sử dụng lao động trốn đóng hoặc nợ BHXH thì cơ quan BHXH báo cho thanh tra lao động giải quyết theo quy định chứ không có quyền khởi kiện. Trong khi, tài liệu hướng dẫn của công đoàn lại nêu thông qua công tác theo dõi tình hình đóng BHXH của DN, cơ quan BHXH xác định DN còn nợ BHXH, số tiền phải đóng, số tiền nợ, thời gian nợ và tiền lãi; đã sử dụng các biện pháp thu nợ mà DN vẫn không đóng thì công đoàn có quyền khởi kiện DN hành vi vi phạm về BHXH. Như vậy, tài liệu trên không ổn nếu áp dụng thực tiễn vì trái với thông tư. Bên cạnh đó, nhiều người lầm tưởng nếu DN không trả lương hay trốn, nợ BHXH thì người lao động cùng khởi kiện tập thể. Đối với các loại tranh chấp tập thể nói chung, tranh chấp về BHXH nói riêng, công đoàn đại diện tập thể người lao động khởi kiện người sử dụng lao động chỉ khi cả tập thể cùng nhận một quyền lợi giống nhau. Ví dụ: 100 công nhân cùng bị chủ DN nợ tiền phụ cấp 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu cùng là đòi tiền phụ cấp nhưng số tiền mỗi người khác nhau thì phải khởi kiện cá nhân. Hay trong một công ty, mỗi người có mức đóng BHXH khác nhau thì phải khởi kiện thành vụ án riêng.

Công nhân ở huyện Hóc Môn làm thủ tục khởi kiện ngay tại trụ sở công ty

Chấp hành quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, 71 hồ sơ người sử dụng lao động nợ BHXH đã được tổ chức công đoàn tiếp nhận từ đơn vị BHXH cùng cấp. Dù vậy, hầu như chưa tòa án nào đưa ra xét xử vụ kiện đòi tiền BHXH do tổ chức công đoàn làm đại diện nguyên đơn. Hiện nay, cả nước vẫn còn 16 tỉnh, thành chưa có quy chế phối hợp trong công tác thu hồi nợ BHXH giữa cơ quan BHXH và công đoàn. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, yêu cầu từ nay đến hết năm 2017, mỗi địa phương phải có ít nhất 5 - 10 hồ sơ khởi kiện chuyển sang tòa án. Đặc biệt, 15 địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, người lao động sống và làm việc tập trung đông nhất cả nước phải thực hiện được một số vụ kiện DN nợ BHXH. Đồng thời, những địa phương chưa có quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn phải gấp rút tiến hành ký kết trong tháng 11-2016. Nếu tòa án không thụ lý, công đoàn địa phương đề nghị tòa án giải thích lý do bằng văn bản. Đó sẽ là căn cứ để Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc với TAND tối cao cùng bàn cách tháo gỡ. Sắp tới, BHXH và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ thành lập đoàn công tác liên ngành để giải quyết các vấn đề khúc mắc liên quan.

Mở cơ chế cho thanh tra

Không chỉ quá trình chuyển giao quyền khởi kiện DN nợ người lao động tiền BHXH, việc cơ quan BHXH đòi DN nợ BHXH cũng cần tháo gỡ nhiều ách tắc.

Từ 1-1-2016, tranh chấp giữa cơ quan BHXH với DN về tiền BHXH do thanh tra lao động xử lý (theo Luật BHXH). Tòa án không thụ lý những trường hợp trên, đình chỉ vụ án đã thụ lý nhưng chưa xét xử. Song, các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện về xử lý hành chính đối với DN vi phạm, cơ chế đảm bảo hoạt động thanh tra vẫn chưa hoàn thiện. Cả cơ quan thanh tra chỉ có hai người là công chức (trưởng và phó). Với địa bàn có số DN nợ BHXH thuộc hàng “tốp” như TPHCM thì hai công chức không đủ sức ký quyết định xử phạt. Theo Chánh tòa Lao động Nguyễn Thành Vinh, Chính phủ cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, mở cơ chế để lực lượng thanh tra hoạt động hiệu quả, đúng luật.

Người dân huyện Nhà Bè, TPHCM lãnh hưu trí và trợ cấp BHXH. Ảnh: MẠNH HÒA

Từ đầu năm 2016 đến nay, BHXH Việt Nam tiến hành 8 cuộc kiểm tra và phối hợp thanh tra liên ngành; phát hiện 13.836 trường hợp thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc đóng thiếu thời gian tham gia… Tính đến hết tháng 10-2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến 14.237 tỷ đồng. Theo BHXH Việt Nam, chế tài xử lý những DN nợ, trốn đóng BHXH chưa đủ sức “nặng” nên nhiều đối tượng vi phạm ngoan cố, né tránh. Cơ quan BHXH tại một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ BHXH. Tại một số tỉnh, thành, cơ quan BHXH ít có động thái hỗ trợ tổ chức công đoàn cùng cấp trong việc khởi kiện DN nợ BHXH; chỉ cử người tham gia thanh tra khi có yêu cầu. Mức lãi suất quy định đối với tiền nợ BHXH luôn thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng. Vì thế, không ít DN khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng không đóng BHXH mà ngang nhiên chiếm dụng số tiền trên.

Trị DN “lách” luật

Ông Nguyễn Thành Vinh cho hay, nhiều DN chỉ báo cáo mức lương tối thiểu theo quy định để “tránh” BHXH. Tuy nhiên, khi báo cáo với cơ quan thuế thì họ khai mức lương rất cao nhằm “né” thuế. Vì vậy, hai cơ quan nên có mối liên hệ, phối hợp kiểm soát thông tin, đề phòng DN lợi dụng sơ hở để “lách” luật. Nên chăng cơ quan thuế và BHXH chỉ cần một cơ quan thanh tra, thực hiện kiểm tra, giám sát cả hai lĩnh vực - thuế cùng BHXH.

KỲ LÂM

Tin cùng chuyên mục