Lực lượng chức năng chuyên ngành vẫn ngày đêm kiểm tra và xử lý các đối tượng buôn lậu, làm giả hàng hóa. Tuy nhiên công việc này ngày càng phải đối mặt với chồng chất khó khăn, nguy hiểm. Đó là những bức xúc của các đại biểu tham dự Hội nghị về công tác chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, diễn ra ngày 5-12 tại TPHCM, do Tổng cục Hải quan tổ chức.
Ồ ạt gom hàng qua cửa khẩu
Hiện tại đang bước vào thời điểm cận tết nên các đối tượng buôn lậu khẩn trương “ăn hàng”. Đối với khu vực phía Bắc, loại tội phạm này hoạt động mạnh tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn. Tại khu vực biên giới Tây Nam, hàng lậu, hàng giả được tập kết tại khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài, Trảng Bàng (Tây Ninh); các huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An); thị xã Châu Đốc, gò Tà Mâu (An Giang)… Hầu hết hàng hóa vận chuyển bằng xe khách, xe du lịch về tiêu thụ tại TPHCM.
Tổng cục Hải quan cho biết, lực lượng buôn lậu đang tranh thủ gom hàng cho dịp lễ tết này. Mới đây, ngày 3-12, lực lượng Công an Hà Nội phối hợp cơ quan chức năng tạm giữ 6 xe tải nghi chở hàng lậu, hướng từ Lào Cai về Hà Nội, trị giá trên 10 tỷ đồng. Toàn bộ số hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ bao gồm quần áo, giày dép…
Thống kê từ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, trong tháng 11 vừa qua đã tạm giữ gần 75.000 đơn vị hàng hóa, bao gồm hàng cấm, hàng nhập lậu và hàng giả. Trong số này nhiều nhất là quần áo, phụ tùng xe máy, thực phẩm đóng hộp, hóa mỹ phẩm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm (tiền phạt, bán hàng tịch thu, truy thu phạt thuế) trên 8 tỷ đồng; trị giá hàng hóa bị tiêu hủy hơn 3 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Hưng, Đội phó Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan cho biết, tội phạm không từ một thủ đoạn nào, sẵn sàng chống trả quyết liệt, thậm chí dùng “hàng nóng” đe dọa cán bộ hải quan.
Giả nhãn hiệu hàng Việt
Hiện nay, người tiêu dùng luôn dè chừng hàng hóa có xuất xứ ngoại nhập kém chất lượng. Đây là điều kiện thuận lợi cho hàng nội phát triển. Góp phần đánh thức tiềm năng sản phẩm, thương hiệu Việt. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, hàng hóa trong nước từ chiếc khăn lau mặt, túi da đựng điện thoại cho đến rau, củ, quả… sử dụng hàng ngày, có một số lượng không nhỏ xuất xứ “Made in China”.
Thời gian qua, người tiêu dùng từng nơm nớp lo sợ trước thông tin khô mực giả (làm từ hóa chất tổng hợp, gây hại cho sức khỏe); rau, củ ngâm hóa chất, hạt dưa… gây ung thư, bánh kẹo chứa phẩm màu độc hại… Do đó, người tiêu dùng trong nước đã “tỉnh ngủ hẳn” và xoay sang tìm hàng nội.
Nắm bắt tâm lý này, không ít cửa hàng, công ty Trung Quốc chọn giải pháp bán hàng mập mờ bằng nhiều cách. Chẳng hạn thay nhãn mác sản phẩm, đổi tên Trung Quốc sang tên Việt; nối dối khách hàng rằng sản phẩm bày bán có xuất xứ Việt Nam… khiến khách hàng vừa bức xúc, vừa hoang mang.
Một vụ tráo nhãn hiệu tinh vi khác cũng vừa được Cục Hải quan Đồng Nai phát hiện cách đây ít ngày. Đó là Công ty TNHH Thiên Hoa (KCN Nhơn Trạch 3) 100% vốn nước ngoài đang tiến hành thay đổi nhãn mác nhằm gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc thành từ Việt Nam. Số lượng hàng gần 13 tấn (hợp chất xử lý nước).
Cùng thời điểm trên, cơ quan chức năng còn phát hiện 87 tấn hàng hóa chưa kịp thay đổi nhãn mác, xuất xứ. Được biết toàn bộ số hàng này chuẩn bị xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nếu để lọt lưới mẻ hàng, chắc chắn tên tuổi Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, bức xúc: “Hiện tượng làm giả, đánh tráo nhãn hiệu đang diễn biến khó lường. Điều này gây cho chúng tôi không ít khó khăn. Vụ gần 50.000 tấn hàng nhập khẩu vừa được phát hiện cuối tháng 11 nghi thông quan bằng giấy kiểm dịch giả là một ví dụ điển hình”.
Thời điểm này, người tiêu dùng, doanh nghiệp… cần cảnh giác, hợp tác với các lực lượng chức năng để phòng, chống hàng giả, hàng lậu. Tránh tình trạng ém nhẹm thông tin khi sản phẩm của đơn vị bị làm nhái. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như công an kinh tế, quản lý thị trường, hải quan cũng nên phối hợp, xử lý mạnh những đối tượng buôn lậu, làm giả, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và uy tín của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thi Hồng