Xử lý mạnh tay các dự án treo

Luật Đất đai 2013

(SGGP).- Trong hai ngày 2 và 3-7, Sở Tài Nguyên - Môi trường TPHCM đã tổ chức Hội nghị phổ biến tuyên truyền Luật Đất đai 2013 cho lãnh đạo và cán bộ địa chính của 24 quận, huyện trên địa bàn TP. Triển khai chính sách bồi thường khi thu hồi đất, ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục kinh tế và Phát triển Quỹ đất (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết nếu Luật Đất đai 2003 quy định 12 trường hợp thu hồi đất thì Luật Đất đai 2013 chỉ phân ra 4 trường hợp thu hồi đất rất rõ ràng, đó là: thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Chỉ ra một số điểm mới đặc biệt trong các quy định thu hồi đất, ông Bùi Ngọc Tuân lưu ý: Luật Đất đai 2013 quy định chế tài mạnh để xử lý đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 cho phép chậm tiến độ hơn so với quy định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng gia hạn mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, các dự án vi phạm sẽ được công khai trên trang web của bộ, ngành để tránh tình trạng chủ đầu tư vi phạm ở địa phương này lại sang địa phương khác xin giấy phép. Theo ông Bùi Ngọc Tuân, cần phải tuyên truyền và nhấn mạnh việc chế tài “mạnh tay” đối với các dự án “treo” cho doanh nghiệp biết, từ đó sẽ hạn chế được các doanh nghiệp “tay không bắt giặc” tham gia thực hiện dự án.

Liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC), khi nhà nước thu hồi đất, ông Bùi Ngọc Tuân cho biết, thực tế hiện nay có đến 70% - 80% khiếu nại liên quan đến bồi thường, hỗ trợ TĐC, trong đó chủ yếu là về giá đất bồi thường. Chính vì thế, việc định giá đất để bồi thường đã được luật hóa trong Luật Đất đai  2013 bằng các nguyên tắc cụ thể mà trước đây Luật Đất đai 2003 không có hoặc chỉ được quy định rời rạc ở một số nghị định. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm cho người dân bị di dời để thực hiện các dự án có chỗ ở ngay để nhanh ổn định đời sống, Luật Đất đai 2013 cũng quy định tất cả các dự án phải có nhà, đất TĐC trước khi có quyết định thu hồi đất. Chính sách TĐC cũng quy định trường hợp người dân không đủ điều kiện để bồi thường về đất ở, phải di chuyển chỗ ở mà không còn nơi ở nào khác thì được mua, thuê, thuê mua nhà ở hoặc được giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục