Xử lý nghiêm để hạn chế tai nạn giao thông

Bốn ngày nghỉ lễ (30-4 và 1-5), cả nước có gần 400 người phải nhập viện vì tai nạn giao thông (TNGT) trong đó có hơn 170 người chết vì chấn thương sọ não và các chấn thương khác do TNGT gây ra.

Thông tin này đã gây sốc cho nhiều người, nhất là những người hàng ngày thường xuyên tham gia giao thông trên đường. Nếu chịu khó lật lại tư liệu, nhiều người sẽ giật mình khi chỉ trong năm 2010, cả nước có đến 15.000 vụ TNGT, làm chết 11.000 người, bị thương 10.500 người. Trong đó, TPHCM có 785 người chết. Như vậy trong năm 2010, trung bình mỗi tháng cả nước có gần 1.000 người chết.

TNGT không chỉ gây thiệt hại nặng nề về của cải, vật chất cho xã hội mà còn để lại những di chứng đau lòng cho nhiều gia đình nạn nhân. Không chỉ xe hai bánh va chạm nhau, bây giờ phổ biến là xe khách đường dài, vụ nào cũng làm thiệt mạng nhiều người. Trong nội thành, xe tải, xe ben thành “hung thần” đường phố…

Công bằng mà nói, để ngăn chặn TNGT, nhà nước và các ngành các cấp đã có nhiều nỗ lực như nâng cấp hạ tầng đường sá, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm… nhưng TNGT vẫn chưa giảm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 2 khía cạnh cần được xem xét, đánh giá nghiêm túc.

Một, về phía người tham gia giao thông, cụ thể là tài xế đã xem thường việc chấp hành luật lệ giao thông. Tuần rồi, Báo SGGP đăng ảnh một xe khách của hãng xe Mạnh La bị 4 cảnh sát 113 ở Đà Nẵng truy đuổi do dừng đỗ trái phép. Không những không chấp hành hiệu lệnh, xe này còn phóng bạt mạng để thoát thân. Đến khi bị chặn đầu xe, tài xế cho xe dừng lại nhưng khóa chặt cửa xe để “ăn vạ”. Không hiểu vì lý do gì, sau đó xe này chỉ bị cảnh cáo. Nếu là xe thường, “xe dân”, việc phạt, giam giữ xe và bấm lỗ bằng lái luôn là nỗi ám ảnh của giới tài xế. Cách đây không lâu, khi nói về tình trạng hoành hành của xe ben, xe tải trong nội thành, một cán bộ cảnh sát giao thông cũng thừa nhận rằng rất khó khăn khi xử lý “xe vua”. Ai đỡ đầu cho “xe vua”? Phải chăng “xe vua” đang dần được hợp thức hóa trong đời sống giao thông đô thị, bất chấp sinh mạng người đi đường? Trả lời, làm rõ những câu hỏi này nghĩa là xóa dần “xe vua”…

Hai, phải quyết liệt chống tiêu cực khi xử lý các vi phạm về giao thông. Ngành CSGT đã cương quyết xử lý nhiều sai phạm trong nội bộ ngành, tuy nhiên, tiêu cực chỗ này chỗ khác vẫn tồn tại. Giới tài xế và người vi phạm khá rành rẽ khi nói về “cái thùng tế nhị” gắn ở yên sau xe CSGT khi đi tuần trên đường. Người vi phạm chỉ cần bước tới thùng, giở nắp ra và bỏ tiền vào đó là xong, không lộ liễu như trước đây phải chạy đi mua gói ba số để kẹp vào, dễ lộ. Nhiều người vi phạm luôn chọn giải pháp này vì đỡ rắc rối, không mất thời gian. Vì thế, việc xử lý không còn mang tính răn đe, người vi phạm “lờn” và cứ thế thành thói quen chạy nhanh, vượt ẩu.

Người ta thường nói TNGT là “hiểm họa”, thực ra giờ đã đến hồi báo động khẩn cấp. Lương tâm người tài xế đặt sau tay lái. Lương tâm người hành xử vi phạm nên nhìn về những mái đầu xanh nheo nhóc, mất cha, mất mẹ. Xử lý nghiêm, có như vậy, TNGT mới giảm.

Văn Trần (Quận Bình Tân)

Tin cùng chuyên mục