(SGGPO). - Sáng nay, 17-10, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu và đóng góp hoàn thiện Khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp. Đây là họat động nằm trong dự án nghiên cứu “nhận diện các hành vi cản trở nhà báo” do hai bên đang triển khai.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự, trong đó có đông đảo các nhà báo đã cùng thảo luận làm rõ những mặt được, chưa được về trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước cho báo chí; những khó khăn trong tác nghiệp của nhà báo trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường, phòng chống tham nhũng... để từ đó nhận diện một cách đầy đủ nhất những hành vi cản trở hoạt động của nhà báo hiện nay.
Theo thông tin từ hội thảo, tính đến tháng 3-2011, cả nước có trên 17.000 người hoạt động báo chí có thẻ nhà báo, ngoài ra trên 5.000 phóng viên đang hoạt động nhưng chưa có thẻ. Điều đáng chú ý là tuy pháp luật quy định rất rõ không được cản trở báo chí khi tác nghiệp, nhưng trên thực tế vẫn diễn ra rất nhiều vụ nhà báo bị tấn công, bị cản trở khi tác nghiệp, trong số đó có không ít nhà báo bị hành hung gây tổn thương sức khỏe, đe dọa tính mạng... Trong thời gian vừa qua, hàng lọat các nhà báo của Báo Lao Động, Người Lao Động, VTC, An Ninh Thủ Đô, Công Lý, Tiền Phong... bị tấn công khi đang làm nhiệm vụ, gây bức xúc trong dư luận nhưng các đối tượng vi phạm chưa được xử lý nghiêm minh. Một phần nguyên nhân là do chế tài về việc này chưa đầy đủ.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung tội danh cản trở nhà báo tác nghiệp để xử lý đúng người, đúng tội những đối tượng có hành vi xâm hại nhà báo. Đồng thời, cần nâng mức xử phạt hành chính các đối tượng này ở mức cao hơn. Ngoài các chế tài của pháp luật, nhiều ý kiến cũng đồng tình việc bản thân các nhà báo cần tự nâng cao khả năng tự bảo vệ mình khỏi những hành vi cản trở.
Riêng về trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý Nhà nước cho báo chí (được cho là còn nhiều khó khăn, vô tình cũng trở thành một trong những cản trở hoạt động của nhà báo), ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Chính phủ đã có quy chế về người phát ngôn, hiện nay nhiều bộ ngành, địa phương đã triển khai có hiệu quả nhưng cũng rất nhiều nơi còn xem nhẹ.
Ngoài ra, nhiều trường hợp người phát ngộn còn né tránh, ngại động chạm với các vấn đề nhạy cảm, khiến thông tin đến báo chí còn hạn chế, khiến xã hội không được thỏa mãn thông tin. Trong nhiều trường hợp, thông tin cho báo chí vẫn còn thiếu công khai, minh bạch. Vẫn còn tình trạng nhiều cấp lãnh đạo bao biện thông tin.
“Tình trạng này cần được cải thiện. Cần phải có một cuộc tổng điều tra, rà soát lại toàn bộ việc thực hiện quy chế phát ngôn ở các bộ ngành, địa phương, cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí”, ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị.
LÂM NGUYÊN