Xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ

Vào ngày cuối cùng của năm 2017, những hình ảnh trên mạng xã hội về một thanh niên ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do không đội nón bảo hiểm điều khiển mô tô bị CSGT yêu cầu dừng lại để kiểm tra giấy tờ xe, nhưng đã không chấp hành mà còn giằng co, lăng mạ và rút dao đe dọa CSGT khiến cộng đồng không khỏi phẫn nộ.
Cũng chỉ một ngày trước đó, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, hai chiến sĩ CSGT của Đội CSGT số 6 trong khi đang tiến hành xử lý một chiếc xe tải chở đất đá trên đường 70 vi phạm giao thông thì bất ngờ xuất hiện 2 thanh niên “hổ báo” lao vào, xô đẩy khiến 1 chiến sĩ bị rơi cả mũ cảnh phục. 

Thống kê của Cục CSGT, trong năm 2017, cả nước đã xảy ra trên 47 vụ chống đối CSGT rất nghiêm trọng, tăng gấp đôi so với năm 2016. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bắt giữ gần 30 đối tượng nhưng thực tế cho thấy, số đối tượng bị khởi tố vẫn còn quá thấp so với mức độ nghiêm trọng của sự việc. 

Càng bức xúc hơn khi các vụ việc chống người thi hành công vụ đang xảy ra tại rất nhiều lĩnh vực khác nhau gây bất an cho nhân dân và xã hội. Các vụ việc chống đối CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn xâm hại tới hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân, gây tổn hại tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của những người đang thực thi công vụ. Có không ít cán bộ chiến sĩ công an, CSGT đã bị thương, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ do đối tượng chống đối gây ra. 

Mới đây nhất là vụ việc xảy ra đối với Trung tá Trần Văn Vang (cán bộ Cục CSGT) khi đang làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đấu tranh phòng chống tội phạm trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thì bị một người điều khiển mô tô vi phạm, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe đâm thẳng vào người đồng chí Vang khiến anh bị ngã, chấn thương nặng, sau đó đã hy sinh. 

Tới nay, người dân và dư luận cả nước vẫn không thể quên được những hình ảnh bàng hoàng về vụ việc người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa (ở Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình) tới vỡ xương mũi, sưng phù nề vùng mặt khi bác sĩ Nghĩa đang làm nhiệm vụ cấp cứu cho 1 trường hợp bị tai nạn giao thông vào đêm Noel 2017 vừa qua. Còn trước đó, 1 bác sĩ ở khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội đã bị người nhà bệnh nhân ném ly vào đầu tới bất tỉnh. Theo đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tình trạng bạo lực, hành hung cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ ngày càng gia tăng, phức tạp, trong đó đối tượng bị tấn công, hành hung phần lớn là bác sĩ chiếm tới 70%. Nghiêm trọng hơn, có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh. Thực trạng gia tăng chóng mặt số vụ hành hung y, bác sĩ khi đang làm nhiệm vụ đã buộc Bộ Y tế phải đánh giá đây là một trong 10 “sự kiện” tiêu biểu của ngành y tế năm 2017. 

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi chống người thi hành công vụ, góp phần giữ nghiêm kỷ cương phép nước, cũng như sự ổn định chính trị - xã hội, đòi hỏi các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật và chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, quyền, nghĩa vụ của công dân và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thực thi công vụ. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong việc tuân thủ, giám sát, ủng hộ, giúp đỡ các lực lượng thi hành công vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời cần phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu người dân, các vi phạm về tác phong, thái độ ứng xử trong khi thi hành công vụ. Cùng với đó tập trung khẩn trương điều tra và xử lý kịp thời các vụ án chống người thi hành công vụ, đảm bảo tất cả các hành vi chống người thi hành công vụ đều bị điều tra và xử lý nghiêm minh. 

Tin cùng chuyên mục