Thời điểm trước Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại lại tái diễn theo hướng tăng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, về vấn đề được nhiều bạn đọc đặt ra: Vì sao chưa ngăn chặn hàng giả, hàng lậu có hiệu quả?
* Phóng viên: Thưa ông, QLTT TPHCM có biện pháp gì để ngăn chặn nạn hàng lậu, hàng gian lận thương mại thường gia tăng vào dịp tết?
* Ông NGUYỄN VĂN BÁCH: Thực tế, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được QLTT TPHCM thực hiện thường xuyên. Hiện nay, trong thời điểm trước tết, QLTT TP đề ra các giải pháp kiểm tra linh hoạt, sát sườn, phù hợp với diễn biến thị trường. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong nhiều lĩnh vực. Bao gồm, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Bên cạnh đó, Chi cục QLTT TP thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Trong đó, theo dõi sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc cố ý găm hàng, làm giá vào thời điểm giáp tết.
* Nhưng tình hình vi phạm vẫn không giảm. Phải chăng QLTT TP lỏng tay, hoặc còn lý do nào khác khó nói trong xử lý vi phạm?
* Có thể khẳng định QLTT TP cũng như các lực lượng chức năng khác luôn phối hợp tốt để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mọi hành vi bao che hay buông lỏng trong quản lý, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại khi phát hiện đều bị xử lý nghiêm minh. Trên thực tế, QLTT TPHCM phải tập trung thực hiện nhiều công việc khác nhau (không riêng chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại), nhưng vẫn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức tái phạm kinh doanh ở siêu thị, trung tâm thương mại hay bất kể nơi nào.
Dù nỗ lực cố gắng, QLTT cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như nhiều vụ việc qua kiểm tra về hình thức, thấy hợp lệ (đủ giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm…), nhưng qua xác minh, phát hiện đầu vào sản phẩm không hợp pháp (thiếu chứng từ nhập khẩu).
* Dư luận đặt nghi vấn, phải chăng các vụ xử phạt hiện nay chỉ dẹp được phần ngọn, chưa dứt dạt gốc rễ vấn đề?
* Chúng ta phải xác định cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn đầy khó khăn, thách thức. Không thể xem việc phát hiện, xử lý một vài vụ vi phạm số lượng lớn là dứt được gốc rễ vấn đề. Muốn đấu tranh có hiệu quả, không chỉ bằng biện pháp hành chính, mà phải kết hợp các biện pháp kinh tế, giáo dục thuyết phục, có giải pháp về tài chính, sản xuất ra sản phẩm có giá thành thấp, thích hợp với người tiêu dùng, đa dạng mẫu mã… Hiện nay, việc phát hiện, xử lý chỉ có tác dụng ngăn chặn, hạn chế buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả là chính.
Theo tôi, ngoài nhiệm vụ của lực lượng chức năng chuyên trách, thì vai trò của người tiêu dùng cũng vô cùng quan trọng trong việc hạn chế hàng lậu, hàng gian lận thương mại phát tán trên thị trường.
* Xin cảm ơn ông.
THI HỒNG