Xử lý nhà xây trái phép: Nơi quyết liệt, nơi đủng đỉnh

Mới xử lý phần ngọn
Xử lý nhà xây trái phép: Nơi quyết liệt, nơi đủng đỉnh

Sau hơn 3 tháng TPHCM thực hiện các biện pháp chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép tại các “điểm nóng” của huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Thủ Đức, Gò Vấp… đến nay tình hình tại các địa phương trên có phần lắng xuống. Thế nhưng, nhiều nơi, các cấp chính quyền vẫn còn lơi lỏng, chưa quyết liệt xử lý các vụ việc sai phạm, dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng, xây dựng trái phép vẫn tồn tại.

Một khu nhà không phép tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) sau đó được hợp thức hóa bằng một giấy phép xây dựng nhà “3 chung”.

Một khu nhà không phép tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) sau đó được hợp thức hóa bằng một giấy phép xây dựng nhà “3 chung”.

Mới xử lý phần ngọn

Theo UBND huyện Bình Chánh, đến nay các xã đã cưỡng chế 615/1.563 trường hợp xây dựng trái phép. Phần lớn trường hợp còn lại, người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm. Về xử lý cán bộ để xảy ra tình trạng nhà xây không phép, đã có gần 100 cán bộ từ ấp, xã, phường đến huyện bị thi hành kỷ luật. Xã Bình Hưng tuy chỉ có 64 căn nhà không phép bị phát hiện, xử lý, nhưng cũng có gần 30 cán bộ phải nhận các mức kỷ luật, trong đó chủ tịch và phó chủ tịch phụ trách QLĐT bị cảnh cáo. Ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết, để chấn chỉnh tình trạng nhà không phép, xã đã xây dựng quy chế trách nhiệm cho từng chức danh cán bộ. Cụ thể, nếu phát hiện nhà xây trái phép trên địa bàn, trước tiên sẽ xử lý buộc thôi việc đối với trưởng ấp và cán bộ địa chính - xây dựng.

Tại xã Phong Phú, nhiều biện pháp quản lý địa bàn cũng được đưa ra nhằm ngăn ngừa, phát hiện nhà xây trái phép ngay từ đầu. Cụ thể, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Nghiệp, Quy chế phối hợp phòng ngừa, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng quy định trách nhiệm của từng cá nhân phụ trách các lĩnh vực từ xã đến ấp và tổ nhân dân. Trong đó, vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, lực lượng công an, quân sự tại địa bàn được phân định rõ để có cơ sở kiểm tra, báo cáo tình hình hàng tuần và hàng tháng. Ông Nghiệp cho biết, quy chế này bước đầu phát huy hiệu quả, giúp chính quyền xã ngăn chặn, phát hiện nhiều vụ vi phạm xây dựng, đất đai ngay từ đầu.

Tại quận Gò Vấp, ngoài gần 150 căn nhà xây dựng trái phép tại phường 15 đã bị cưỡng chế, hiện vẫn còn hơn 100 căn được tạm lùi thời gian tự tháo dỡ. Từ các biện pháp quyết liệt của lãnh đạo quận và phường, ghi nhận trên địa bàn ấp Doi thuộc phường 15, hơn 3 tháng qua chưa phát hiện trường hợp xây dựng trái phép nào. Tuy nhiên, người dân bức xúc cách xử lý của các cấp chính quyền đối với cán bộ để xảy ra tình trạng hàng trăm căn nhà xây dựng trái phép thời gian qua. Tới nay, những người có trách nhiệm  ở địa phương này và một số cán bộ liên quan chưa bị xử lý kỷ luật, hoặc có bị xử lý nhưng mức độ còn quá nhẹ.

Xây dựng trái phép vẫn diễn ra

Trở lại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), ghi nhận của chúng tôi ở địa bàn các ấp Đông 1, Trung Đông 1, Tam Đông 2, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai, xây dựng trái phép vẫn diễn ra bình thường. Từ thông tin của người dân ấp Đông 1, chúng tôi đi thực tế ghi nhận một trường hợp xây dựng không phép ngay đối diện Ban nhân dân ấp. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chung nói: “Muốn biết có phép hay không phải hỏi Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách QLĐT”.

Tại các ấp Tam Đông 1, Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn, hàng chục căn nhà dạng “3 chung” (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà - đều là giấy photocopy) vẫn ồ ạt mọc lên, bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng về tính pháp lý của những căn nhà này. Những căn nhà hợp lệ nhưng không hợp pháp này được Báo SGGP nhiều lần đề cập, thế nhưng khi quay lại địa bàn này, chúng tôi thấy mọi chuyện vẫn như cũ. Nhiều trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp sau đó còn được hợp pháp hóa bằng giấy phép xây dựng nhà “3 chung”. Điều đáng quan ngại là những khu nhà “3 chung” này đang có hàng trăm hộ dân dọn đến ở trong nhiều tháng qua và không ai được chính quyền địa phương cấp hộ khẩu tạm trú và thường trú theo quy định. Những “khu dân cư lậu” này đang là nỗi lo của nhiều hộ dân và trở thành địa bàn phức tạp về an ninh xã hội, rất khó quản lý.

Tại địa bàn các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), tình trạng “cò” mua bán đất đai, xây dựng nhà vẫn diễn ra bình thường, tuy không rầm rộ như trước. Các bảng quảng cáo mời chào mua đất mỗi lô từ 50, 70, đến 100m2 trên các thửa đất nông nghiệp với giá từ 150 đến 300 triệu đồng được đặt hai bên đường dẫn vào ấp 4, 5 xã Vĩnh Lộc A. Nhiều “cò” đất còn bao luôn xây dựng, thậm chí có căn nhà được giao dịch theo kiểu “chìa khóa trao tay”, xây xong nhà mới nhận tiền.

  • Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

"Huyện Bình Chánh đề xuất UBND TPHCM nên có văn bản trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định 180/2007/NĐ-CP theo hướng cho phép ra quyết định cưỡng chế ngay từ đầu các công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, không phải ban hành quyết định đình chỉ do biên bản vi phạm đã có yêu cầu đình chỉ"

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục