Hàng ngàn bình gas bị tịch thu

Xử lý thế nào?

Xử lý thế nào?

Từ đầu năm đến nay, hàng chục vụ sang chiết, tiêu thụ gas giả nhãn hiệu đã được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Những đối tượng vi phạm đã bị xử lý, nhưng việc giải quyết “đầu ra” cho những bình gas bị thu giữ, khiến cho những người trong cuộc đang phải đau đầu.

Hàng ngàn bình gas vẫn bị “nhốt” trong kho !?

Đội trưởng Đội QLTT quận Thủ Đức vừa phát hiện kho hàng của bà Diệp Mỹ Hiệp (quận Thủ Đức) chứa 1.815 bình gas không có hóa đơn chứng từ. Sau khi tiến hành niêm phong lượng bình gas “khổng lồ” trên, QLTT quận Thủ Đức đã phải cầu viện đến kho gas của Công ty Liên doanh Khí hóa lỏng Việt Nam (VT-Gas) để bảo quản giúp.

Tương tự, Đội QLTT 10B cũng vừa bắt giữ xe gas giả nhãn hiệu với số lượng trên 40 bình gas loại 12kg. Trong khi đối tượng buôn bán, tiêu thụ gas giả nhãn hiệu này đã bị xử lý cách nay cả tháng trời, thì số phận hơn 40 bình gas bị tịch thu vẫn chưa biết giải quyết thế nào!?

Xử lý thế nào? ảnh 1

Hàng ngàn bình gas giả bị tịch thu vẫn chưa giải quyết “đầu ra”. Ảnh: Hương Giang

Đại diện một công ty kinh doanh gas cho biết, ở một số địa phương, sau khi Chi cục QLTT phát hiện và bắt giữ gas giả nhãn hiệu, Chi cục QLTT địa phương liền “nhốt” vào kho chung với những loại hàng hóa khác. Điều này chúng tôi đã từng chứng kiến tại kho giữ tang vật của Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, gần 400 bình gas giả nhãn hiệu thu giữ tại trạm chiết Đại Dương (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) đã được Chi cục QLTT Tây Ninh “nhốt” chung với phụ tùng xe máy! Điều này cực kỳ nguy hiểm và không đúng với Thông tư 15 của Bộ Thương mại về điều kiện kho chứa gas. Ngoài ra, những kho chứa gas “bất đắc dĩ” này cũng không được trang bị những thiết bị an toàn phòng chống cháy nổ, đúng tiêu chuẩn của một kho chứa gas!

Đây là nỗi khổ chung của người làm công tác chống gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh gas. Bởi gas là loại hàng hóa đặc biệt, chúng không giống như những loại hàng gian hàng giả khác, chỉ cần tiêu hủy là xong. Trong khi đó, việc xử lý bình gas bị làm giả nhãn hiệu cũng phải theo đúng quy trình, và quan trọng hơn là phải có một đơn vị chuyên môn để giúp xả nước gas ra khỏi bình - một cán bộ QLTT phân trần.

Khi đèn “xanh” đã bật

Giám đốc một công ty liên doanh khí hóa lỏng tại TPHCM cho biết, trước đây, mỗi bình gas giả nhãn hiệu bị Chi cục QLTT thu giữ, chúng tôi thường phải bỏ tiền ra để mua lại vỏ bình. Tuy nhiên, không phải chính quyền địa phương nào cũng chấp nhận mức giá thu mua vỏ bình mà các công ty đưa ra. Cũng liên quan đến vấn đề này, một cuộc họp giữa lãnh đạo các công ty kinh doanh gas với Sở Thương mại TPHCM và Chi cục QLTT TPHCM vừa được tiến hành vào đầu tháng 4.

Trong cuộc họp, các công ty gas đã đề xuất cách thức xử lý bình gas bị thu giữ như sau: các công ty gas sẽ chịu trách nhiệm chuyên chở, lưu trữ và bảo quản các bình gas là tang vật bị thu giữ đảm bảo an toàn theo đúng quy định; các công ty gas cũng sẽ tự thực hiện việc thu nhận lại vỏ bình gas và xử lý nước gas trong bình thuộc sở hữu của thương hiệu mình. Mức chi phí thu mua mỗi vỏ bình và phục vụ cho công tác chống gian lận thương mại tối đa là 50.000 đồng/vỏ bình (trừ bình gas mini).

Đối với nước gas còn trong vỏ bình, nếu trọng lượng nước gas lỏng còn tồn trong bình dưới 30% trọng lượng tịnh ghi trên vỏ bình thì sẽ tiến hành thu hồi lượng gas lỏng này (nếu kết quả giám định chất lượng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật). Công ty chủ sở hữu vỏ bình đó sẽ mua lại nước gas với giá mua bằng 50% giá bán rời cho xe bồn của Nhà máy Dinh Cố tại cùng thời điểm. Đối với những loại bình thuộc diện phải hủy bỏ (theo các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước), các công ty sẽ hỗ trợ thực hiện hủy bỏ…

Ông Trần Trung Chính - Phó Tổng Giám đốc Công ty VT-Gas cho biết, việc các công ty gas chung tay vào giải quyết những khó khăn mà Chi cục QLTT gặp phải trong quá trình xử lý gas giả nhằm mong muốn sớm làm trong sạch thị trường gas. Ngành chức năng cần kiên quyết và xử lý mạnh mẽ hơn nữa đối với nạn sang chiết, tiêu thụ gas giả. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Trung Việt - Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM cho biết: “Chúng tôi đề cao ý kiến cũng như những đóng góp của các công ty gas. Hiện những đề xuất xử lý vỏ bình gas của các công ty đã được chúng tôi gửi lên UBND TP, Sở Tài chính để xin ý kiến chỉ đạo”. 

ĐÀO THỤY

Tin cùng chuyên mục