LTS: Từ ngày 29-11 đến 2-12-2011, Báo SGGP đăng loạt bài điều tra “Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia” vạch trần đường dây bảo lãnh hồi gia tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM. Nhiều bạn đọc đã quan tâm theo dõi và bày tỏ nỗi bức xúc về việc này. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến.
Sao nỡ kiếm chác?
Đọc loạt bài điều tra của Báo SGGP về đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM, chúng tôi thực sự phẫn nộ. Thật không thể hiểu nổi vì sao lại có những cán bộ, công chức nhà nước nhẫn tâm kiếm chác trên lưng người nghèo. Thiết nghĩ, với người làm công tác xã hội, một trong những phẩm chất căn bản là phải có thiện tâm. Đằng này, họ vừa nhận lương nhà nước nhưng làm ngược lại nhiệm vụ được giao.
Vấn đề đặt ra ở đây, nếu đã là người cơ nhỡ, tàn tật, phải sống lang thang, xin ăn… bị bắt tập trung, lấy đâu ra vài chục triệu đồng để “chạy”? Như vậy, chỉ có 2 khả năng. Thứ nhất, người bỏ tiền ra “chuộc” là các đối tượng đầu nậu những đường dây chăn dắt người ăn xin. Và nếu đúng như thế, các cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM đã tiếp tay cho hành vi nhẫn tâm này. Thứ hai, người đi “chuộc” đúng là thân nhân của trại viên, vì sợ người thân phải cực khổ (do bị các “cò” hù dọa, tung tin thất thiệt) nên đành cắn răng bán tài sản hoặc phải vay nặng lãi. Ở tình huống này, có thể nói các cán bộ của trung tâm đã “ăn bẩn”, cướp cạn của người nghèo. Hành vi của họ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm tổn hại một chính sách tốt đẹp của TPHCM: hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ và không để xảy ra tình trạng ăn xin, sống vạ vật nơi công cộng.
Dư luận chờ đợi các cơ quan chức năng xử lý thích đáng các đối tượng trong đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia.
HOÀNG TRỌNG KHÔI (Quận 6)
Cần xem lại
Việc một số cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội tham gia đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia bằng cách cấu kết với các đối tượng bên ngoài thực hiện hành vi trục lợi bất chính, trái luật là đã khiến dư luận rất bức xúc. Mục đích hoạt động của trung tâm là hướng đến những người cơ nhỡ, lầm lỗi, không được sự quan tâm chăm sóc của gia đình… để giúp họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng các cán bộ của trung tâm này lại làm ngược lại với chủ trương, quy định của Nhà nước, bỏ đi cái tâm, đạo đức của con người. Việc tiếp tay với các đối tượng xấu để “chạy” bảo lãnh hồi gia cho các trại viên không đủ điều kiện hồi gia chẳng khác nào đẩy những người dưới đáy xã hội lún sâu vào vũng bùn, thật nhẫn tâm! Điều khiến dư luận bức xúc hơn là chuyện “chạy” bảo lãnh hồi gia đã phát sinh và tồn tại từ lâu, báo chí đã từng lên tiếng nhưng chưa được lãnh đạo Sở LĐTB-XH TPHCM và các ngành chức năng liên quan vào cuộc làm rõ. Chỉ đến khi phóng viên Báo SGGP điều tra, có đủ chứng cứ và có sự phối hợp với C45 Bộ Công an mới được phanh phui.
Theo tôi, để ngăn chặn triệt để tiêu cực này, TPHCM và các cấp, các ngành liên quan cần xem lại các hoạt động giúp đỡ, chăm sóc người cơ nhỡ, lầm lỗi tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Vì sao các trại viên khi đưa vào trung tâm này lại muốn sớm ra khỏi trung tâm, dù rằng khi sống ở môi trường bên ngoài, trại viên không được ăn ở, sinh hoạt, dạy nghề… như trong trung tâm? Đồng thời cần xử nghiêm những cán bộ và đối tượng bất chính, cố ý làm trái luật. Có như thế mới dẹp triệt để chuyện “chạy” bảo lãnh hồi gia.
VÕ HOÀNG UYÊN (Huyện Bình Chánh)
Đừng buông lỏng
Theo dõi loại bài “Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia”, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm quản lý, giám sát trong lĩnh vực này đã bị buông lỏng, tạo ra sơ hở cho những kẻ bất lương trục lợi. Việc Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội thừa nhận “phải khéo léo từ chối” khi đường dây này “đánh tiếng”, cho thấy hoạt động này khá tinh vi và lộ liễu. Nếu kiên quyết làm trong sạch bộ máy, tăng cường giám sát, kiểm tra nội bộ, những hành vi, biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực nhạy cảm này sẽ được ngăn chặn, không có cơ hội phát triển quy mô và nghiêm trọng như Báo SGGP phanh phui.
Việc bào chữa “chưa tìm ra bằng chứng, chứng cứ cụ thể” ở đây cho thấy người đứng đầu Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM chưa sâu sát, chưa làm tròn trách nhiệm được giao. Nếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, sẽ phát hiện ra sơ hở trong quy trình xét duyệt hồ sơ hồi gia. Đúng là từ một chủ trương đúng đắn, đầy nhân văn của TP về tập trung giải quyết người lang thang xin ăn, những kẻ vô đạo đức trong đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia đã tìm mọi cách trục lợi trên nỗi bất hạnh của họ. Thật đáng lên án và đề nghị cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm hành vi tiêu cực này.
NGUYỄN TẤN (Quận 11)