Xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể để “gỗ quý vùng biên bị đốn hạ”

Ngày 11-10, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nội vụ, UBND huyện Đắk Glei, Chi cục kiểm lâm về xử lý tình trạng khai thác gỗ trái phép ở tiểu khu 132 (thôn Kon Tu, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei) như phản ánh của Báo SGGP.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum có ý kiến giao UBND huyện Đắk Glei chủ trì, phối hợp với Chi cục kiểm lâm có phương án xử lý gỗ vi phạm để lại tại hiện trường; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, không để tình trạng các đối tượng tiếp tục vào khai thác.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Đắk Glei tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đối với các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, để tình trạng khai thác gỗ trái phép xảy ra tại tiểu khu 132 thuộc lâm phần do UBND xã Đắk Long quản lý nhưng chưa kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định.

Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng, trong đó đề  nghị tập thể và cá nhân của UBND xã Đắk Long có liên quan vụ khai thác gỗ trái phép ở xã Đắk Long làm bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật; tổ chức tiến hành họp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể cá nhân có liên quan, báo cáo về phòng nội vụ.   

Trước đó, Báo SGGP có nhiều tin, bài phản ánh về việc khu rừng dọc suối Giao, tiểu khu 132, thôn Kon Tu bị lâm tặc đốn hạ la liệt. Sau đó, đoàn liên ngành 33 người gồm kiểm lâm, biên phòng, UBND xã Đắk Long đi kiểm tra và tìm thấy tại hiện trường hơn 15,2m3 gỗ quy tròn các loại.  

Điều đáng nói, rừng bị phá có cả mới và cũ. Chứng tỏ gỗ quý bị lâm tặc khai thác thời gian dài. Trong khi đó, lâm tặc muốn khai thác gỗ thì phải huy động người, cưa máy, phương tiện rầm rộ vào khai thác, tạo nên những âm thanh vang rền cả khu rừng nhưng không hiểu sao không thấy đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn ngăn chặn, xử lý.

Tin cùng chuyên mục