Xử nặng để tăng tính răn đe

Ngày 30-5, Quốc hội tiếp tục bàn thảo về 2 dự thảo luật Quảng cáo và luật Xử lý vi phạm hành chính; nghe Tờ trình về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).
Xử nặng để tăng tính răn đe

Ngày 30-5, Quốc hội tiếp tục bàn thảo về 2 dự thảo luật Quảng cáo và luật Xử lý vi phạm hành chính; nghe Tờ trình về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận dự thảo luật. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận dự thảo luật. Ảnh: Minh Điền

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quảng cáo, vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm nhất là quy định các hành vi về cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ.

ĐB Khúc Thị Huyền (Thái Bình), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ, chúng ta đã mất nhiều thời gian để nâng cao kiến thức cho người mẹ, nhằm giúp người mẹ hiểu giá trị sữa mẹ đối với con nhỏ. Nghị định 21 của Chính phủ đã cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, do vậy Luật Quảng cáo ít nhất phải thể hiện được điều này.

Liên quan đến sản phẩm hàng hóa bị cấm, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng, dự thảo quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít rượu dưới 15 độ, có lẽ chỉ có bia. Do vậy, nên cấm luôn quảng cáo rượu vì rượu là nguy cơ chính gây ra tai nạn giao thông và rất nguy hiểm đối với sinh mạng con người.

Chiều 30-5, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật quy định mức phạt tiền cao hơn (nhưng không quá 2 lần) mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành các thành phố trực thuộc trung ương.

Dự thảo cũng quy định về xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu. Cho rằng quy định trả lại tang vật vi phạm không thuộc sở hữu của người vi phạm dễ bị lợi dụng, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) yêu cầu nêu rõ trong dự luật theo hướng chỉ khi “phương tiện, trang thiết bị sử dụng trái mục đích của chủ sở hữu, người quản lý” mới trả lại.

Tán thành việc nới khung hình phạt tiền tối đa lên tới 1 tỷ đồng với cá nhân cho một vi phạm và 2 tỷ đồng đối với tổ chức, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét, việc nâng mức tiền phạt có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa rất lớn. Cần ủng hộ quy định mức phạt tiền cao hơn đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương và cho rằng, việc áp dụng thí điểm quy định này trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Hà Nội và TPHCM cho thấy kết quả tích cực. Nay mở rộng phạm vi áp dụng và luật hóa là cần thiết. Nhiều ĐBQH đến từ các thành phố trực thuộc trung ương như Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM cũng ủng hộ quy định đặc thù này.

Liên quan đến mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ lưu ý, quy định trong dự thảo luật này (theo đó quy định mức phạt tối đa là 2 tỷ đồng) không phù hợp với pháp luật chuyên ngành về thuế. Luật Quản lý thuế tới đây - dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành trước Luật Xử lý vi phạm hành chính - tính tiền phạt theo số thuế trốn (từ 1 - 3 lần), không khống chế tối đa. Do đó đề nghị Luật Xử lý vi phạm hành chính phải bổ sung quy định nếu luật chuyên ngành có quy định khác thì áp dụng theo luật chuyên ngành.

Là người đã từng phát biểu tại lần góp ý đầu tiên của QH về dự thảo luật này, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tiếp tục đề nghị QH cân nhắc kỹ quy định không buộc người bán dâm đi khám chữa bệnh bắt buộc. Nếu bắt được vi phạm rồi thả ra ngay họ sẽ tái phạm. Kiểu bỏ ngỏ, phạt rồi cho tồn tại như thế có nên không? ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) ủng hộ quan điểm này: “Luật ra đời sẽ có tác động lớn đến tình hình an ninh chính trị, xã hội, đặc biệt là trật tự xã hội. Thực tiễn cho thấy nhiều người bán dâm có HIV và các bệnh xã hội khác. Cho họ vào cơ sở khám chữa bệnh là vì lợi ích của cộng đồng và chính bản thân họ”.

Anh Thư – Hà My

Tin cùng chuyên mục