Xử phạt doanh nghiệp cung ứng suất ăn cho bệnh viện dã chiến có sâu

Trưa ngày 9-9, điều dưỡng Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 8, phát hiện trong dưa leo có sâu và quay clip báo cáo Ban giám đốc. Ngay sau đó, Ban giám đốc bệnh viện đã ngưng hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn.

 

 

Chiều 11-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM chủ trì họp báo.

Số ca tử vong trong ngày giảm rõ rệt

Mở đầu buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM thông tin, ngày 10-9, có 286.773 trường hợp mắc bệnh tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, hiện đang điều trị cho 39.433 ca. Riêng ngày 10-9 có 3.392 bệnh nhân xuất viện, tổng số cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay là 147.416 ca xuất viện.

Ghi nhận 188 ca tử vong trong ngày 10-9, số tử vong mỗi ngày hiện đang giảm rõ rệt. Tổng số mũi vaccine đã tiêm: 7.535.598 mũi, tăng 227.860 mũi so với ngày 9-9. Từ ngày 15-8 đến 11-9, Trung tâm An sinh TPHCM đã trao 1.778.660 túi an sinh đến tay người dân, tăng 37.624 túi so với ngày 10-9.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đến ngày 10-9, có 908 F0 khỏi bệnh được phân bổ cho các bệnh viện dã chiến và khu cách ly, trong số 1.700 đơn đăng ký. Theo khảo sát, các cơ sở y tế hiện cần 3.311 người cần bổ sung (các vị trí bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, hậu cần, nhập liệu).

Những F0 trở lại tham gia hỗ trợ chống dịch được trang bị phòng hộ, ăn nghỉ, xét nghiệm kháng thể, tầm soát định kỳ, được trợ cấp chế độ như tình nguyện viên.

“Cơ sở y tế địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý thông tin F0 điều trị tại nhà để cấp thẻ xanh Covid với các đối tượng này khi chính thức triển khai”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng thông tin.

Cũng trong buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) nhận định, với tình hình hiện tại vẫn chưa đủ cơ sở kết luận TPHCM đã đạt đỉnh dịch Covid-19 hay chưa.

Xử phạt doanh nghiệp cung ứng suất ăn cho bệnh viện dã chiến có sâu ảnh 1 Đồng chí Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo

Cảnh báo có hiện tượng chợ đen bán thuốc kháng virus trái phép

Thông tin về việc báo chí phản ánh có dị vật (sâu) trong phần cơm của nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 8, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho biết, Ban đã cử đội thanh tra làm việc cùng bệnh viện và công ty cung cấp suất ăn. Theo đó, Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 8 tại TP Thủ Đức, ký hợp đồng cung ứng suất ăn với 3 công ty, trong đó có Công ty Beluga (254 Linh Trung, TP Thủ Đức).

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, công ty này sẽ cung cấp 1.500 suất ăn bệnh nhân và 900 suất ăn nhân viên y tế mỗi ngày. Trưa ngày 9-9, điều dưỡng Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 8 phát hiện trong dưa leo có sâu và quay clip báo cáo Ban giám đốc. Ngay sau đó, Ban giám đốc bệnh viện đã ngưng hợp đồng với công ty này.

Hiện tại, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã tiến hành các bước xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp cung ứng suất ăn này.  

“Đây là bài học kinh nghiệm, cảnh báo tất cả các đơn vị đang cung ứng suất ăn cho các bệnh viện dã chiến, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân và nhân viên y tế”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, TPHCM vừa được bổ sung thêm 30.000 liều thuốc kháng virus (túi thuốc C), đủ đáp ứng nhu cầu điều trị cho F0 hiện tại. Tuy nhiên, đến ngày 9-9, chỉ có 86.000 F0 tại nhà nhận được túi thuốc A-B,  8.463 F0 nhận được túi thuốc C.

“Thuốc kháng virus hiện là thuốc thử nghiệm, người bệnh phải được bác sĩ chỉ định và ký cam kết, nên số người bệnh sử dụng còn ít. Y tế địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp phát thuốc cho F0 tại nhà sao cho đúng người đúng đối tượng và kịp thời”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh và cho biết đã có hiện tượng chợ đen bán thuốc kháng virus trái phép, cơ quan chức năng cần cảnh báo người dân và y tế địa phương hết sức thận trọng.

Nghiên cứu phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của TP

Liên quan đến thông tin, người dân đã tiêm vaccine nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai và đã gửi phản hồi theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) nhưng chưa được điều chỉnh, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết, thời gian vừa qua, các đơn vị tổ chức tiêm vaccine đã tích cực tổ chức cập nhật dữ liệu tiêm vaccine và hệ thống quản lý tiêm vaccine phòng Covid-19 quốc gia.

Tuy nhiên, trong thực tế có việc người dân đã tiêm vaccine nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai. Khi đó người dân có thể chủ động phản ánh, đề nghị bổ sung, điều chỉnh tại mục “Phản ánh thông tin” trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn.

Để xử lý đầy đủ các phản ánh, Sở TT-TT và Sở Y tế TP đã tổ chức huy động lực lượng công nghệ thông tin để hỗ trợ tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cũng như các phản ánh của người dân đã gửi về HCDC. Việc này không ảnh hưởng lộ trình cấp thẻ xanh theo kế hoạch chung của TP.

Theo ông Từ Lương, hiện TPHCM đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng ứng dụng CNTT trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Để thực hiện điều này, TP đã phối hợp Bộ TT-TT, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và Thành phố (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử, tiêm chủng; đồng thời đề xuất liên thông với các ứng dụng của các bộ, ngành.

Sở TT-TT TP đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của TP (Y tế TPHCM) thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng chống dịch. Trong đó, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.

Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những phản ánh kịp thời của đội ngũ phóng viên, biên tập viên TPHCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Những ngày tới, thông qua các sản phẩm báo chí, lực lượng phóng viên sẽ truyền đạt thêm những năng lượng tích cực đến người dân TP, ghi nhận các bất cập và phản ánh đến cơ quan chức năng, giúp TP hoàn thiện dần các bước đi. Đồng thời, trách nhiệm của người làm báo còn phải mang đến niềm tin, tinh thần và giúp người dân TP chuẩn bị tâm thế mới cho cuộc sống sau ngày 15-9.

Tin cùng chuyên mục