Xử phạt hơn 42 tỷ đồng vi phạm an toàn thực phẩm trong 9 tháng đầu năm

Ngày 9-10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tổ chức Hội nghị triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và nghị định số 15/2015 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP).
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn Ảnh: HOÀNG HÙNG

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về ATTP, chiếm 19,2%; Số vụ vi phạm đã xử lý là 24.603 cơ sở (chiếm 31,91%), trong đó phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền phạt hơn 42 tỷ 400 triệu đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, đình chỉ lưu hành sản phẩm đối với 195 cơ sở, yêu cầu 485 cơ sở có nhãn phải khắc phục, 3.926 cơ sở buộc phải tiêu hủy sản phẩm, tiêu hủy 3.821 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng ATTP.

Hầu hết các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra như vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng điều kiện vệ sinh cơ sở, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định.

Xử phạt hơn 42 tỷ đồng vi phạm an toàn thực phẩm trong 9 tháng đầu năm ảnh 1 Các đại biểu tham dự tại Hội nghị

Trước thực tế, số vụ vi phạm về ATTP ngày càng tăng và tinh vi hơn trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã chính thức được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2018 có những quy định các mức xử phạt cao hơn so với Nghị định cũ.

Trong đó đáng chú ý là hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo và mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Nghị định mới cũng quy định nhiều hành vi xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm...

“Nghị định 115 của Chính phủ vừa thể hiện sự quyết liệt trong vấn đề đấu tranh với thực phẩm không đảm bảo an toàn, vừa tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Đặc biệt là từ nay đến cuối năm, khi Tết Nguyên đán đang cận kề là dịp mà lượng thực phẩm tiêu thụ lớn, nhất là các sản phẩm bánh, mứt, kẹo, thịt, rau củ quả… thì việc Nghị định 115 đi vào đời sống là hết sức quan trọng và cần thiết”- ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục