Lên xứ Tuyên nhiều lần, nhưng chưa lần nào tôi được đến Tân Trào. Thật may, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tôi được đón xuân ngay trên vùng đất của “Thủ đô kháng chiến”.
Sáng mùng 2 Tết, chúng tôi rời thị xã Tuyên Quang, đi dọc theo bờ sông Lô để về Tân Trào. Giữa tiết trời se lạnh, bảng lảng khói sương, dường như văng vẳng đâu đây câu hát: “Sông Lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên nhau. Qua bến Bình Ca, đứng lặng!...”.
Chẳng mấy chốc, xe về đến thị trấn Sơn Dương. Đi thêm 16km đường nhựa phẳng lỳ với hai bên là hàng duối xanh mướt lộc xuân là đến Tân Trào. Tôi lặng người trước vẻ đẹp thiên nhiên và cảnh quan nơi đây. Căn cứ chiến khu xưa, nơi khởi nguồn quyết định Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất” đã thực sự đổi thay. Dọc đường về Tân Trào, những căn nhà tầng mọc lên ngày càng nhiều; hệ thống điện – đường - trường - trạm được đầu tư khá hoàn chỉnh xen với những cánh rừng xanh ngát.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là cây đa Tân Trào, một di tích sống nằm trong quần thể di tích cách mạng Tân Trào. Dưới bóng cây đa này, chiều 16-8-1945, Đội Tuyên truyền giải phóng quân đã làm lễ xuất quân. Trước toàn quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội. Cây đa giờ không còn nguyên vẹn như trước.
Cách đây nhiều năm, nhiều phần của cây đa đã bị sâu bệnh gây khô mục, rụng lá và gãy mất nhiều cành. Từ năm 2008, tỉnh Tuyên Quang đã dùng giải pháp phun chế phẩm sinh học để cứu cây đa. Và hôm nay, cây gần như đã hồi sinh. Một số cành lớn đã mọc lên xanh tốt từ gốc cây sần sùi.
Dưới tiết mưa xuân, tôi như thấy được những mầm xanh trong thân cây đa lịch sử hơn 300 năm tuổi đang tách lớp vỏ già nua để vươn ra ánh sáng. Sáu cây đa nhỏ được trồng xung quanh cũng vươn cành, bám rễ vào thân cây đa lớn, tạo nên một khí thế mạnh mẽ như đoàn quân giải phóng ngày nào. Chưa khi nào tôi cảm nhận mùa xuân về trên đất nước mình rõ như thế!
Đi thêm khoảng vài trăm mét, chúng tôi đến đình Tân Trào, địa danh đã đi vào sử sách vẫn cổ kính dưới những tán cây cao vút, mướt xanh. Ngày 16-8-1945, Quốc dân đại hội do Bác Hồ chủ trì đã họp dưới mái đình này, đưa ra quyết định lịch sử Tổng khởi nghĩa trên cả nước để làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Mùng 2 Tết, thắp nén nhang thơm, tôi đứng lặng dưới mái đình mà như thấy lịch sử cuồn cuộn chảy.
Đường từ đình Tân Trào dẫn vào nơi Bác ở và làm việc - lán Nà Lừa, thẳng tắp và thật đẹp. Vẫn đó ngôi lán đơn sơ, lợp lá, vách liếp. Đây là nơi hàng ngày Bác nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… báo cáo tình hình, đồng thời đưa ra những quyết sách quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Lán nằm trong một khu rừng nứa xanh mướt, khiến tôi nhớ đến “Rừng của ông Hồ”, cách gọi của Archimedes L.A.Patti, trong cuốn sách nổi tiếng “Tại sao Việt Nam?” (Why VietNam?)
Một mùa xuân mới lại đến với Tân Trào. Ông Viên Tiến Thăng, Chủ tịch UBND xã Tân Trào khoe với chúng tôi nhiều tin vui: Toàn xã đã có điện lưới và hệ thống đường giao thông thông suốt, số hộ nghèo giảm rõ rệt, nhiều gia đình đã có mức sống khá nhờ biết làm ăn và được Nhà nước quan tâm đầu tư. Hiện toàn xã chỉ còn 2 hộ nghèo; gần 200 gia đình có nhà mái bằng, 60% số hộ có xe máy, nhiều nhà đã mua được ô tô, máy nông nghiệp. Dường như ở mảnh đất cách mạng này, linh khí đã thấm đẫm vào cỏ cây hoa lá, và cả tinh thần không bị khuất phục của con người...
Rời Tân Trào, chúng tôi lại nghe thêm được một tin vui nữa: tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt quy hoạch tổng thể khu du lịch lịch sử - văn hóa và sinh thái Tân Trào rộng hơn 40ha với tổng kinh phí đầu tư hơn 516 tỷ đồng. Khu du lịch Tân Trào khi hoàn thành sẽ khai thác hiệu quả kinh tế gắn với bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử, mang lại sức sống mới mãnh liệt hơn trên quê hương cách mạng
HÀM YÊN